Đại biểu đề nghị nâng độ tuổi thanh niên từ 16 đến 35 tuổi thay vì 16 đến 30 tuổi như hiện nay.

ĐB Triệu Thanh Dung
ĐB Triệu Thanh Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Một trong những nội dung ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu đó là quy định về độ tuổi của thanh niên.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết một số ý kiến nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi; một số lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi.

Về vấn đề này, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đồng ý phương án độ tuổi thanh niên từ 16 đến 35.

ĐB Dung cho rằng việc nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi là cần thiết, vì hiện nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao nên tính năng động sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm.

Quốc hội vừa thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 2 tuổi đối với nam và 5 tuổi đối với nữ, nên việc kéo dài độ tuổi thanh niên là phù hợp” – ĐB Dung phân tích.

ĐB này còn cho rằng cùng với xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dần thì số lượng thanh niên cũng giảm dần, đặc biệt là thanh niên trong khối cán bộ, công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua do việc tinh giản biên chế, sáp nhập cơ quan đơn vị hành chính cấp huyện, xã, hạn chế tuyển dụng mới, nên không có nguồn bổ sung đoàn viên, thanh niên cho khối này.

Nữ đại biểu cho hay tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia quy định tuổi thanh niên tối đa từ 35 – 40 tuổi. Ví như: Singapore có độ tuổi thanh niên từ 15 – 35 tuổi, Ấn Độ là từ 10 – 35 tuổi, Brunei là từ 15 – 40 tuổi.

Từ những phân tích trên, bà Dung đề nghị Quốc hội xem xét nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi.

Khác ý kiến với ĐB Dung, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lại cho rằng không nên quy định độ tuổi thanh niên đến 35 tuổi hoặc hơn vì quy định độ tuổi còn liên quan đến việc nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên phát triển như ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề,…

Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 tuổi, có thể bắt đầu đi làm, khởi nghiệp. Nếu lên đại học, học nghề thì trung bình từ 21 tuổi đến 23 tuổi thanh niên đã tốt nghiệp và đi làm. Các chính sách hỗ trợ thanh niên không nên kéo dài đến 35 tuổi, khi thanh niên đã đi làm được trên 10 năm“, bà Nga nói.

Giải trình các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Luật năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi.

Ông Tân cho hay trong quá trình thực hiện Luật đến nay chưa thấy phát sinh vấn đề cần phải nghiên cứu sửa đổi. Hơn nữa, ban soạn thảo thấy độ tuổi thanh niên ở các nước cũng trung bình từ 15 đến 30, ví dụ Philippines, Syria, Indonesia, Lào từ 15 đến 30, Thái Lan từ 18 đến 25,…

Vị Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo ghi nhận ý kiến đại biểu để tiếp tục nghiên cứu.

Hoàng Minh

Xem thêm: