Kết quả thử nghiệm mẫu dâu tây Trung Quốc nhập khẩu trái phép vào Đà Lạt cho thấy, hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (Abamectin) có kết quả 0,063mg/kg, vượt 3 lần giới hạn cho phép.

dâu tây Trung Quốc, Đà Lạt
Dâu tây Trung Quốc nhập lậu vào Đà Lạt có dư lượng thuốc trừ sâu gấp 3 lần. (Ảnh từ báo lâm đồng)

Truyền thông trong nước cho biết, mẫu dâu tây xét nghiệm được lấy từ lô dâu tây Trung Quốc có trọng lượng khoảng 2 tấn, nhập khẩu trái phép vào Đà Lạt, bị tạm giữ hôm 24/7, từ chủ hàng là ông P.T.S (29 tuổi, TP.HCM).

Tờ Tuổi trẻ cho hay, ông S. khai nhận đã mua lô dâu tây này với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg để bán lại. Tuy nhiên, hóa đơn chứng từ mà ông S. xuất trình lại thể hiện tên chủ hàng là Nguyễn Thị Nhung, dâu được nhập từ cửa khẩu ở Lào Cai với số lượng 10 tấn vào ngày 2/7, giá chỉ 5.000 đồng/kg.

Điều đặc biệt, sau 22 ngày (kể từ ngày nhập khẩu), trái và lá dâu vẫn còn tươi nguyên mặc dù không bảo quản ở nhiệt độ thấp, đã khiến cơ quan chức năng quyết định phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó phát hiện, hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.

Ngoài ra, từ hôm 22-23/7, công an Đà Lạt đã thu giữ hơn 10 tấn dâu tây Trung Quốc, nhập khẩu trái phép. Thông tin ban đầu, các lô hàng đều có sai phạm về thủ tục nhập khẩu và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước đó, trong một đợt kiểm tra vào hồi năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM thông tin, có đến 30% mẫu trái cây Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, chủ yếu là quýt, lê và táo; còn trái cây của các quốc gia khác thì gần như không có dư lượng thuốc trừ sâu.

“Có đến 30% mẫu kiểm nghiệm trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ sâu là khá nghiêm trọng. Thông thường, thời gian thuốc trừ sâu tồn tại trong trái cây chỉ khoảng 5 – 7 ngày. Vậy mà trái cây Trung Quốc vận chuyển từ biên giới phía bắc về đến TP.HCM mà vẫn phát hiện dư lượng thì rõ ràng đã được phun xịt quá nhiều thuốc”, tờ Thanh niên dẫn lời bà Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật.

Theo các chuyên gia, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm khi đi vào cơ thể, không thể tránh khỏi sự tồn đọng các chất độc hại này ở trong gan, tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm.

Thuốc bảo vệ thực vật có trong thức ăn, đồ uống với lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp tính gây rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (nhức đầu, hôn mê, co giật hoặc co cứng cơ…), trụy tim mạch, suy hô hấp rất dễ dẫn đến tử vong.

Những trường hợp ngộ độc mãn tính do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc tồn dư trong thực phẩm sử dụng với lượng nhỏ nhưng tích lũy lâu ngày cũng có thể gây các tổn thương ở đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh, rối loạn hệ thống tạo máu, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.

Nói thêm, hồi năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện, tiêu hủy gần 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Lạng Sơn.

Lô hàng trên gồm nhiều loại thuốc kích chín hoa quả, kích thích sinh trưởng. Đặc biệt, lô hàng còn chứa nhiều loại thuốc cực độc như thuốc diệt chuột, thuốc diệt ốc và trừ cỏ. Toàn bộ số thuốc trên đều không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Hoàng Minh