Mưa đá, mưa lớn, dông, sét,… xuất hiện tại miền Bắc vào ngay mùng 1 Tết; Hạn mặn khốc liệt xảy ra tại miền Tây…; Dịch COVID-19, cúm gia cầm,… bùng phát đang xảy ra tại Việt Nam.

mưa đá, COVID-19, lở mồm long móng, hạn mặn khốc liệt tại miền Tây
COVID-19, hạn mặn, cúm gia cầm, mưa đá,… đang xảy ra tại Việt Nam trong đầu năm.

Miền Bắc xuất hiện mưa lớn, mưa đá ngay mùng 1 Tết

Từ ngày 24 – 25/1 (tức 30 tháng Chạp và mùng 1 tết Nguyên đán Canh Tý), miền Bắc xuất hiện thời tiết khá dị thường như: mưa dông, mưa đá tại nhiều tỉnh thành gồm: Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội. Riêng ở Lạng Sơn, mưa đá còn xuất hiện tới 2 lần, vào chiều 30 Tết và sáng mùng 1 Tết.

Hiện tượng thời tiết này có thể nói là chưa từng xảy ra trong ít nhất 10 năm trở lại đây.

Theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày mùng 1 Tết, tại Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và TP. Hà Nội, mưa đá kèm dông lốc đã làm 11.748 nhà bị hư hại, tốc mái.

Trong đó, Cao Bằng có tới 6.463 nhà bị thiệt hại từ 30 – 50%; Bắc Kạn có 3.284 nhà; Lạng Sơn khoảng 2.000 nhà.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã phải đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ 39 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại.

Từ ngày 1 – 4/3, hiện tượng thời tiết trên lại lặp lại tại miền Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3 ngày (1 – 4/3), khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến dưới 100 mm; một số trạm có mưa lớn hơn như: Hà Giang (Hà Giang) 152mm, Phù Yên (Sơn La) 233mm, Láng (Hà Nội) 156mm, Nho Quan (Ninh Bình) 179mm, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) 139mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 122mm.

Theo báo cáo nhanh của 7 tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La, dông, lốc, sét và mưa đá từ tối ngày 2/3 đến 19h00 ngày 4/3 đã khiến:

  • 02 người chết (Anh Ly Mí Sính, tỉnh Hà Giang, chết do bị điện giật; Chị Vàng Thị Dính tại Hà Giang chết do bị đá lăn); 16 người bị thương (Yên Bái: 06 người; Hà Giang 10 người).
  • 351 nhà bị sập; 6.801 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 412,9 ha lúa; 422,9 ha hoa màu; 97,0 ha cây trồng lâu năm; 29,6 ha cây trồng hàng năm; 352 ha cây ăn quả; 18 ha rừng thông, keo, bị thiệt hại,…

Đặc biệt, tại Hà Nội chiều ngày 3/3 đã xảy ra mưa lớn với lượng mưa từ 40-60 mm/h. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định đây là trận mưa lớn nhất vào tháng 3 trong khoảng 50 năm qua, kể từ năm 1971 đến nay.

Miền Tây xuất hiện hạn mặn khốc liệt

 

hạn mặn long an, ĐBSCL
Nhiều kênh, rạch nội đồng tại Long An đã cạn khô. Giữa tháng 2, độ mặn tại cầu Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông dao động từ 4 -11,3‰. So với cùng kỳ năm 2016, độ mặn tại các nơi cao hơn từ 1-3 ‰; so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn từ 3,7-10‰. (Nguồn: baolongan.vn)

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016; Hơn 150.000 ha cây ăn trái, hoa màu… bị khô trái, rụng lá vì thiếu nước; nhiều hộ gia đình phải mua nước với giá đắt đỏ,…

Đến nay, 5 tỉnh gồm: Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An và Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020. Đặc biệt trong các ngày từ 11-15/3, mức xâm nhập mặn sẽ tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2 và cùng kỳ tháng 3/2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo trong tháng 3, dòng chảy sông Mê Kông từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Dự báo, từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100 – 110km trên sông Vàm Cỏ; 60km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78km; 70km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62 – 65 km tại sông Cái Lớn. Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm nhập mặn tương đương với đợt thiên tai năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn 3 – 8km.

Dịch COVID-19, cúm gia cầm, lở mồm long móng,… bùng phát

cúm A/H5N6, Thanh Hóa,Nghệ An, Hà Nội
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Dịch COVID-19: Theo Bộ Y tế, tính đến 19h37 ngày 6/3, Việt Nam có 101 ca nghi nhiễm (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) phải cách ly; 23.228 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Hiện Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm mới.

Dịch cúm gia cầm: Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 43 ổ dịch cúm gia cầm tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 38 ổ dịch cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch cúm A/H5N1. Tổng số gia cầm bị chết, buộc phải tiêu huỷ là 137.180 con. 3 tỉnh đã hết dịch là: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Dịch tả lợn châu Phi: Bộ NN&PTNT ghi nhận phát sinh thêm 24 ổ dịch mới khiến trên 19.400 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy.

Dịch lở mồm long móng (LMLM):

Tại Yên Bái: Tính từ giữa tháng 1/2020 đến giữa tháng 2/2020, hai huyện Văn Yên và Trạm Tấu đã bùng phát hai ổ dịch LMLM. Trong đó:

  • Ổ thứ nhất xảy ra ngày 17/1 ở 27 hộ của 3 thôn thuộc xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên khiến 63 con gia súc nhiễm dịch, trong đó có 32 con trâu, 21 con bò, 10 con lợn, có 3 con chết buộc tiêu hủy.
  • Ổ dịch thứ hai xảy ra ngày 5/2 và ngày 10/2 tại 6 hộ của thôn Tàng Ghênh (xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu) khiến 20 con gia súc bị nhiễm dịch, trong đó có 4 con trâu, 16 con bò.

Tại Quảng Ngãi: Theo thống kê từ đầu năm đến ngày 12/2, tỉnh đã có 2.410 con trâu bò mắc bệnh, 1.335 con đã chữa khỏi và 50 con chết đã tiêu hủy.

Nhận định xu thế thời tiết, khí hậu năm 2020, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết:

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có xu hướng cao hơn TBNN. Nửa đầu năm lượng mưa có xu hướng thiếu hụt trên phạm vi cả nước. Từ tháng 6 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN, đặc biệt ở khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2020.

Xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng từ xấp xỉ đến ít hơn so với TBNN, khả năng hoạt động nhiều trong các tháng cuối năm 2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía nam.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá xảy ra vào thời kỳ chuyển mùa tháng 3, 4, và tháng 5.

Đặc biệt, từ tháng 1-7/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, đặc biệt các tháng đầu năm 2020. Trong mùa khô 2019-2020, dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN, nguy cơ xảy ra khô hạn thiếu ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và diễn ra tương đương mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Hoàng Minh (t/h)