Vì đất quốc phòng vẫn cần nhưng chưa có nhu cầu nên giao cho tư nhân làm sân golf. Nhưng trong sân golf 36 lỗ lại có đầy đủ nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới, căn hộ, khách sạn, trường học, bãi đáp trực thăng riêng. Ngay cạnh là sân bay dân dụng quá tải, lỡ chuyến, đường vào cổng “bề bộn và ách tắc” nạn kẹt xe.

Tình cảnh ấy không xảy ra ở nơi đâu xa lạ, mà giữa TP.HCM, đối với sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam về lưu lượng hành khách.

Khi đất quốc phòng trong sân bay lại được lấy ra để đầu tư dịch vụ cao cấp lâu dài, còn dân cư chen chúc trong một sân bay dân dụng, thì đó không chỉ là vấn đề về quyền sử dụng đất, mà là việc lợi ích của một nhóm tư nhân “núp” dưới “áo” quốc phòng đã được đặt lên trên lợi ích tăng trưởng của đất nước, của việc làm, thu nhập của người dân.

san golf tan son nhat 2
Tòa nhà CLB Golf trên trang web của Công ty CP đầu tư Long Biên. (Nguồn: tansonnhatgolf.vn)

Khi Nhà nước nắm toàn quyền quản lý đất đai

Còn nhớ vụ tranh chấp tại khu vực đồng Sênh (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Dự án sân bay Miếu Môn được Phó Thủ tướng ký quyết định từ năm 1980, nhưng trở thành “quy hoạch treo” hơn 30 năm cho tới khi Bộ Quốc phòng thu hồi đất giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) làm dự án. Không rõ ràng giữa mục đích quốc phòng với mục đích kinh doanh, người dân Đồng Tâm phản đối vì cho rằng một phần trong dự án Viettel đang triển khai là đất nông nghiệp của người dân.

Quyết định khởi tố, bắt người “gây rối trật tự” từ phía chính quyền như giọt nước tràn ly, dẫn tới sự việc người dân Đồng Tâm bắt giữ tới 38 người bên chính quyền, gây sức ép để được đối thoại, thả người (tháng 4/2017).

Sự việc chỉ là một trong rất nhiều vụ tranh chấp đất đai đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh thành. Chúng đặt ra dấu hỏi lớn về quyền sở  hữu đất đai gây tranh cãi do nhà nước quy định.

Luật Đất đai hiện hành – Luật Đất đai 2013 khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này“.

Nói cách khác, Nhà nước không thừa nhận “quyền sở hữu tư nhân” hay “tư hữu” về đất đai. Nhà nước có toàn quyền quản lý đất đai (xem điều 13 quy định về quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai). Điều này là thống nhất trong tất cả các Luật Đất đai ban hành trước đó (các năm 1987, 1993, 2003).

Đất quốc phòng lại dành cho sân golf, khách sạn

Theo Bộ Giao thông Vận tải, diện tích khai thác bay dân dụng trong sân bay Tân Sơn Nhất là 590,48ha, diện tích do quốc phòng quản lý là 517ha, trong đó 157ha sử dụng làm sân golf.

Ngày 1/6/2017, trả lời về khu vực sân golf rộng 157 ha ở Tân Sơn Nhất, đại biểu Lâm Quang Đại – Chính uỷ quân chủng phòng không không quân cho hay xây dựng sân golf là nhằm “tận dụng đất còn nhàn rỗi ở sân bay để phát triển kinh tế”.

Nhưng cho phép tư nhân đầu tư với quy mô trên 5.400 tỷ đồng, thời gian khai thác 50 năm, có nghĩa là nhu cầu quốc phòng của diện tích đất này được Bộ Quốc phòng xác định là chưa cần thiết trong thời gian khá dài.

Nếu đặt vấn đề làm sao để khai thác phần tài nguyên đất được hữu ích nhất, thì thay vì để quân đội giao cho tư nhân kinh doanh sân golf, vì sao không sử dụng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất vốn đang bị ùn tắc, quá tải cả đường bộ lẫn đường không?

Vì sao cần xây dựng sân bay Long Thành trị giá hơn 16 tỷ USD? Một trong các lý do được các cơ quan chức năng đưa ra là vì sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Nhưng nếu lấy lại đất sân golf thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng thêm 157ha, sẽ giúp tăng công suất khai thác sân bay lên 30-40%, sân bay không bị ngập, máy bay không phải bay xuống sân bay Cần Thơ hay đi nước khác đậu qua đêm, đường giao thông không bị kẹt cứng. Các vấn đề tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có hướng giải quyết.

Dù xây thêm sân bay có được coi là phương án cần thiết để tăng công suất thì đây cũng không phải là phương án duy nhất. Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất qua việc tiết kiệm nguồn lực đất đai “còn nhàn rỗi” là phương án có thể thấy một cách rõ ràng.

Trước hết, những người dân phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đó, thay vì trở thành người ngoài cuộc. Còn khi đất quốc phòng chưa có nhu cầu sử dụng lại được dùng để thu nguồn lợi riêng cho một nhóm, thì đó không chỉ là bài toán về sử dụng đất mà đại diện chủ sở hữu về đất đai là Nhà nước giải rất kém, mà điều này còn chỉ ra cách mà lợi ích quốc gia được ứng xử ra sao, giữa một bên là sự phát triển của đất nước với một bên là quyền và lợi của một nhóm nhỏ tư nhân được trao quyền đầu tư trên đất quốc phòng.

Xuân Tường

Xem thêm: