Các cơ quan chức năng của Indonesia cho biết gần 580 ngư dân và 72 tàu đánh cá mang quốc tịch Việt Nam đã bị quốc gia này bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Indonesia.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta cho biết ngư dân và tàu thuyền Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia để đánh bắt trái phép ngày càng nhiều.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng của Indonesia, trong tổng số gần 580 ngư dân thuộc 72 tàu bị bắt giữ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 328 ngư dân, Bình Định 62 ngư dân, Khánh Hòa 58 ngư dân, Tiền Giang 66 người, Kiên Giang 44 ngư dân, Phú Yên 6 ngư dân và Bình Thuận 13 ngư dân.

Tuy nhiên, theo bộ phận lãnh sự thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, số tàu trên danh sách có thể không đúng với số tàu thực tế do nhiều phương tiện sử dụng số hiệu giả.

Hiện những ngư dân này đã bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ và đưa về các đảo căn cứ để xử lý.

ngu dan viet nam
Ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển Malaysia bắt giữ vì đánh bắt trái phép trên vùng biển nước này. (Ảnh: Antara News/2016)

Về quy trình xử lý các vụ tàu cá vi phạm vùng biển Indonesia, ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết sau khi bị bắt giữ, các tàu này sẽ bị lai dắt về căn cứ của lực lượng chức năng Indonesia. Thuyền trưởng và một người làm chứng sẽ bị cách ly để phục vụ quá trình tố tụng và kết án. Các thuyền viên còn lại sẽ được thông báo trả tự do bằng văn bản gửi đến Đại sứ quán.

Người làm chứng sẽ được thông báo thả tự do sau khi tham dự các phiên tòa kết án thuyền trưởng. Thuyền trưởng sẽ phải hoàn thành việc thi hành bản án của tòa án địa phương, sau đó mới được trả tự do, thường từ 6 tháng đến 6 năm tùy mức độ vi phạm vùng biển và hải phận của Indonesia.

Đại sứ quán Việt Nam khuyến cáo người dân khi nhận được thông tin người nhà vi phạm tại Indonesia, thân nhân cần phối hợp với sở Ngoại vụ tại địa phương để hoàn tất sớm các thủ tục liên quan. Thời gian kể từ khi tàu bị bắt giữ đến khi các cơ quan chức năng Indonesia gửi hồ sơ thông báo thả ngư dân được gửi đến Đại sứ quán sẽ mất từ 20-45 ngày. Trường hợp ngư dân sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết, sẽ mất khoảng 2-6 tuần để được trao trả về nước tính từ khi các cơ quan chức năng Indonesia thông báo trao trả ngư dân.

Về tài sản, tàu thuyền, Indonesia thời gian qua đã áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với các vụ việc đánh bắt cá trái phép. Trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Indonesia cho tiêu hủy toàn bộ số tàu, thuyền vi phạm.

Đây không phải lần đầu tiên có quốc gia trong khu vực thông báo về việc bắt giữ ngư dân và tàu cá của Việt Nam do xâm phạm vùng biển. Tính riêng trong tháng 4 vừa qua, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết đã bắt giữ hơn 60 ngư dân Việt Nam do đánh cá trái phép tại vùng biển Miri (bang Sarawak), vùng biển tại Tanjung Sedili, Kota Tinggi (bang Johor), ở gần đảo Pulau Gaya (bang Sabah). Các ngư dân Việt Nam đã được đưa về điều tra, xét xử theo pháp luật của Malaysia.

Vĩnh Long

Xem thêm: