Tối ngày 3/4, bé Đào Đức Nguyên (7 tuổi) bị đàn chó dữ của gia đình bà bà Lê Thị An (ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) tấn công, bị thương nghiêm trọng và đã qua đời.

cho1 3 18171310
Đàn chó dữ nhà bà An

Gia đình bé trai quê ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Bố mẹ bé Nguyên về thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) để sinh sống và làm ăn từ năm 2007. Gia đình bé Nguyên thuê nhà của bà An đã hơn 10 năm nay để làm đậu phụ.

Theo một nhân chứng gần hiện trường xảy ra vụ việc, chiều tối ngày 3/4, bé Nguyên đang đùa với đàn chó trước cửa nhà trọ thì bị đàn chó của chủ nhà tấn công.

Người dân xung quanh phát hiện ra và đã lao vào đánh đuổi đàn chó. Tuy nhiên lúc đó, cháu bé đã bị đàn chó cắn khắp toàn thân, chảy nhiều máu và ngất đi.

Gia đình đã đưa bé Nguyên đi bệnh viện cấp cứu nhưng bé không qua khỏi.

Nhiều người dân sinh sống gần đó cho biết, đàn chó nhà bà An rất hung dữ, hay được thả rông, từng cắn vật nuôi và cắn người. Người dân đã góp ý nhiều lần nhưng bà An vẫn tiếp tục thả rông chó, không đeo rọ mõm.

Sau khi vụ việc xảy ra, chiều 4/4, công an huyện Kim Động đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống nhà bà Lê Thị An để bắt giữ đàn chó.

Lãnh đạo UBND huyện Kim Động cho biết, việc bắt giữ có sự chứng kiến của gia đình bà An, sau khi bắt giữ đàn chó sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Những quy định của pháp luật liên quan đến việc nuôi, thả chó

Theo điều 6 Nghị định 05/2007/NĐ-CP và Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chó phải được xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Người chủ khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ và có người dắt.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định chủ vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Trường hợp thả rông để chó cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người, theo điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 295 Bộ luật Hình sự quy định, chủ vật nuôi thả rông chó để cắn chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến 5 năm. Trường hợp chó cắn chết hai người có thể bị phạt tù từ ba đến bảy năm.

Trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác, tùy theo mức độ thiệt hại mà chủ nuôi sẽ phải bồi thường theo điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại khi tính mạng, sức khỏe người khác bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Tuy đã có những quy định như vậy, nhưng việc giám sát thực thi và bắt chó thả rông ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo.

Báo động về sự thiếu ý thức khi nuôi chó

Theo quan sát, tại Việt Nam, việc người dân nuôi và thả rông chó, hay không đeo rọ mõm cho chó khi ra ngoài vẫn còn rất phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa ý thức được việc này có thể gây nguy hiểm tới người khác, ảnh hưởng tới an toàn giao thông, cũng như lây truyền bệnh dại. Thứ nữa là chế tài xử phạt chưa nghiêm, không thấy có lực lượng chức năng cũng không có ai xử phạt.

Thời gian qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp chó cắn người gây thương tích, thậm chí tử vong.

Ông Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) khuyến cáo người dân cần rất cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà. Những chấn thương do vật nuôi cắn rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Đã có nhiều trường hợp chó cắn trẻ ở các trung tâm thần kinh, cơ quan sinh dục, gây tổn thương nghiêm trọng.

Vì thế, nếu gia đình nuôi chó thì cần giữ khoảng cách với trẻ ở mức độ an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra ngoài đường nhất định phải được rọ mõm, tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ.

Hàng loạt nạn nhân của chó nhà nuôi cắn là lời cảnh báo về việc nuôi chó không an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng. Đồng thời, cũng đòi hỏi phải xử lý nghiêm những gia đình thiếu ý thức, khi thả chó nhưng không đeo rọ mõm, gây nguy hiểm cho người khác.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: