Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị và phát hành dự thảo Luật Bản dạng giới nhằm cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính của công dân.

nguyen anh tri
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: quochoi.vn)

Cổng thông tin điện tử Quốc hội hôm 7/2 công bố hồ sơ dự án Luật Bản dạng giới do Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV và XV, là GS, TS y khoa. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Bệnh viện đa khoa Medlatec. Trước đó, ông có thời gian dài giữ các chức vụ Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; Phó chủ nhiệm Bộ môn Huyết học – Truyền máu, Đại học Y Hà Nội; Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam.

Theo ông Trí, “bản dạng giới” là sự nhận thức của một người về giới của bản thân họ. Nhận thức giới tính đó không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học và không phải thiên hướng tình dục.

Ông Trí cho rằng Luật Bản dạng giới phù hợp với quy định trong Bộ Luật Dân sự “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, mà chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó thực hiện trên thực tế. Cơ quan có thẩm quyền cũng khó xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính.

Do đó, ông Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đề cương chi tiết dự thảo Luật Bản dạng giới có 5 chương và 27 điều. Chương I giới thiệu từ ngữ, phạm vi điều chỉnh; hành vi bị nghiêm cấm và quyền, nghĩa vụ có liên quan. Chương II gồm điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận bản dạng giới; Chương III về tâm lý, can thiệp y tế, khám, điều trị cho người chuyển giới; Chương IV là quản lý Nhà nước đối với chuyển đổi giới tính và Chương V là điều khoản thi hành.

Theo dự thảo, điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận Bản dạng giới là đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự của mình; tình trạng hôn nhân độc thân; không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Ông Trí muốn dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3/2023). Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tháng 8/2022, Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, cho phép người chuyển giới có đủ quyền và nghĩa vụ công dân bình thường, như kết hôn, đi nghĩa vụ quân sự…

Tuy nhiên, Bộ Y tế sau đó cho hay vì đang tập trung xây dựng các luật quan trọng hơn như khám chữa bệnh, dược, đồng thời giải quyết những vấn đề y tế cấp bách nên quá trình xây dựng dự án Luật chuyển giới sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Trước ông Trí, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) từng đề xuất xây dựng Luật Hành chính công, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý xây dựng, cho ý kiến.

Sau đó, dự luật bị rút khỏi chương trình xây dựng luật vì còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ chất lượng trình ra Quốc hội.

Ngày 24/11/2015, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Có 399 đại biểu tán thành với Điều 37 thuộc Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính, 43 đại biểu không tán thành, 4 người không biểu quyết.

Điều 37 ghi “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Minh Long