Tính đến ngày 17/10, sau 6 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16/18 thi thể trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), hai thi thể còn lại vẫn đang được lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.

sat lo dat tai huyen tan lac hoa binh
Lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm hai thi thể còn lại. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào lúc 1h30 sáng ngày 12/10 tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) vừa tìm thấy thêm 2 thi thể trong tổng số 18 người dân bị vùi lấp.

Theo ghi nhận, hai thi thể được lực lượng chức năng tìm thấy vào lúc 14h49 và 15h ngày 17/10. Bước đầu xác định hai nạn nhân được tìm thấy là bà Đinh Thị Son (SN 1938) và ông Đinh Công Bậc.

Trong ngày 17/10, lực lượng chức năng đã sử dụng 3 máy xúc, 1 máy ủi, 1 máy khoan nổ mìn để tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân. Tính đến ngày 17/10, sau 6 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16/18 thi thể trong vụ sạt lở.

Trước đó, vào 1h30 sáng ngày 12/10, vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường đã vùi lấp 18 người trong 4 gia đình, trong đó có cháu nhỏ mới 2 tháng tuổi.

Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng trăm người tới hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Đến 9h30 sáng cùng ngày, 8 thi thể được tìm thấy. Đến ngày 15/10, 13/18 nạn nhân được tìm thấy và đưa ra khỏi đống vùi lấp.

Cũng trong ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – ông Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành Quyết định số 1971 về việc “Công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên khu vực tỉnh Hòa Bình” đối với 7 huyện và thành phố gồm: TP. Hòa Bình, huyện Kim Bôi, huyện Tân Lạc, huyện Đà Bắc, huyện Lạc Sơn, huyện Mai Châu và huyện Kỳ Sơn.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 21h ngày 16/10, các tỉnh thành tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có 75 người chết (trong đó: Hòa Bình: 24 người, Yên Bái: 17 người, Thanh Hóa: 16 người, Nghệ An: 9 người, Sơn La: 6 người, Hà Nội: 2 người và Quảng Trị: 1 người); 28 người mất tích và 38 người bị thương.

Thống kê về thiệt hại tài sản, có 249 nhà bị sập đổ hư hỏng, hơn 2.600 nhà phải di dời khẩn cấp. Ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề khi có gần 10.400 con gia súc và hơn 301.400 con gia cầm bị chết, nước cuốn trôi.

Các tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 62 sự cố đê điều với tổng số gần 10.800 m đê bị ảnh hưởng, trong đó, một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (Km17+250 – Km17+337); sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (Km23+000 – Km32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276 m),… Các tuyến đê dưới cấp III ghi nhận 93 sự cố với hơn 18.000 m đê bị ảnh hưởng.

Diệp Thu

Xem thêm: