Ông Vũ Huy Quang – nguyên Tổng giám đốc PVPower cho rằng bản thân ký hợp đồng số 33 không đúng quy định vì PVN đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu phải ký trước ngày 28/1/2011.

Ông Vũ Huy Quang
Ông Vũ Huy Quang tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Sáng nay (10/1), phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái tại PVN và PVC tiếp tục xét xử liên quan đến việc ký hợp đồng số 33 khiến PVN thiệt hại 119 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ngày 2/7/2010, PVN phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (hợp đồng số 33) do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD).

Ngày 28/2/2011, bị cáo Vũ Huy Quang – nguyên Tổng giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc PVC đã ký hợp đồng trên. Hợp đồng chỉ có 8 trang giấy A4 gồm 10 điều.

Cáo trạng cũng xác định, hợp đồng EPC số 33 được lập, ký không đúng quy định pháp luật. Theo đề nghị của PVC, PVN đã tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC trái quy định.

Tại phiên toà , ông Quang cho rằng ông phải ký hợp đồng số 33 vì Tập đoàn PVN có 3 văn bản thúc ép PVPower phải ký trước ngày 28/1/2011.

Ông Quang cho hay hợp đồng số 33 hoàn toàn không có giá trị pháp lý mà chỉ nhằm khởi công đúng tiến độ, ngoài ra không có mục đích nào khác.

Lý giải về việc buộc phải ký hợp đồng, ông Quang nói dưới sức ép của tập đoàn PVN rất lớn, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – phó tổng giám đốc PVN liên tục gửi văn bản yêu cầu hoàn thiện để ký hợp đồng. Theo ông Quang, sau đó PVPower cũng đều có văn bản phản hồi rõ là chưa đủ điều kiện, nhưng văn bản của PVN đều chỉ đạo phải hoàn tất công việc để ký hợp đồng theo đúng tiến độ.

Luật sư cũng hỏi thêm ông Quang là bị cáo Khánh có chỉ đạo ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý không, thì ông Quang trả lời không. Nhưng ông Quang khẳng định, trong văn bản trả lời PVN thì PVPower đều nêu khó khăn và thời gian hoàn thành thủ tục và có thể ký hợp đồng vào trung tuần tháng 6/2011.

Luật sư hỏi ông Quang về trách nhiệm của người đứng đầu, ông Quang khẳng định tại phiên tòa, có rất nhiều lời khai, báo cáo cũng như nhân chứng nói rằng không biết về sự thiếu sót của hợp đồng số 33 cho đến ngày 30/5/2011.

Ông Quang cho biết tại cuộc họp tổng thể của PVN ra mắt ban quản lý mới, thành phần có cả PVC và PVPower dự. Tại cuộc họp này, bị cáo Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị có liên quan như PVC, PVPower báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Sau khi hỏi xong ông Quang, luật sư chất vấn bị cáo Nguyễn Quốc Khánh vì lý do gì, những sai phạm của hợp đồng EPC số 33 đã không được báo cáo lên Ban Tổng giám đốc mà bị che đậy suốt một thời gian dài? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ báo cáo này?

Bị cáo Khánh trả lời hợp đồng do nhà đầu tư PVPower ký trực tiếp với Tổng thầu là PVC. Hợp đồng được ký kết dựa trên văn bản ủy quyền của Hội đồng quản trị PVN ủy quyền cho Hội đồng quản trị của PVPower thực hiện. Ông Khánh cho rằng bản thấy sai và nhận một phần trách nhiệm liên quan tới hợp đồng này.

Kim Long

Xem thêm: