Nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam nhưng lại khó đáp ứng được yêu cầu của Bộ GTVT.

cau gie 1556789042 width490height327
(Ảnh: vietnamfinance)

 Cuối tháng 4, trong phiên họp của UB Kinh tế Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng các nhà đầu tư tư nhân trong nước khó có đủ năng lực tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam theo quy định.

Ông cũng thông tin các nhà đầu tư của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam.

Cửa hẹp cho doanh nghiệp trong nước?

Vừa qua, có nhiều phản ánh trong dư luận và cả của các chuyên gia về dự án đường cao tốc Bắc – Nam về việc lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng 8 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc – Nam có thể để doanh nghiệp trong nước làm được. Bà Lan đề nghị phải sửa quy định về tiêu chí trúng thầu; phải sửa quy định về năng lực tài chính của nhà đầu tư.

“Nếu quy định năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm thì phải cho các doanh nghiệp hợp vốn, hợp danh chứ không thể tách riêng từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đâu phải vốn của họ, mà đằng sau là nhà nước, các ngân hàng của họ sẵn sàng hỗ trợ vốn, nên đáp ứng được yêu cầu”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Ngoài ra, những yêu cầu khác khiến các nhà đầu tư trong nước ít có cơ hội thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam là yêu cầu về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, vấn đề tiếp cận nguồn vốn trong nước, vấn đề lãi suất và giới hạn tín dụng.

Với yêu cầu về năng lực kinh nghiệm như nhà đầu tư phải từng thực hiện các dự án có quy mô tương tự hay phải có vốn chủ sở hữu đã từng góp tương đương với dự án hiện nay, ít có nhà đầu tư trong nước nào đáp ứng được.

Một đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết các nhà đầu tư trong nước hiện nay muốn thực hiện các dự án sẽ phải huy động nguồn vốn tín dụng trong nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn tín dụng trong nước đang rất khó khăn do ngân hàng coi lĩnh vực đầu tư BOT là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Ngoài ra, hồ sơ dự tuyển hiện áp dụng mức lãi suất khoảng 7%/năm, còn lãi suất trên thị trường từ 11-12%. Đây là mức chênh lệch lớn mà Bộ Giao thông vận tải chưa có hướng xử lý và điều này khiến nhà đầu tư trong nước khó chấp nhận mức lãi suất này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Tôi không tin doanh nghiệp trong nước không làm được”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu chia 654 km cho 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, trung bình mỗi dự án thành phần dài chưa đến 60 km, chỉ rộng từ 4 – 6 làn xe, thì doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được.

Bà Lan khẳng định về năng lực tài chính, nếu các doanh nghiệp trong nước hợp lực thì đủ sức tham gia. Hơn nữa, bà cho rằng nhà nước nên ưu tiên chọn nhà đầu tư trong nước để lấy nguồn tiền trong nước nuôi doanh nghiệp trong nước và tạo cơ hội việc làm, cơ hội cho doanh nghiệp trong nước lớn dần lên.

Bà Lan cũng lưu ý, liên quan đến vay vốn, Trung Quốc cho nhau vay rẻ hơn nhiều, trong khi cho Việt Nam vay thì rất đắt mà dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một dẫn chứng, do đó nếu lấy vốn để so sánh thì doanh nghiệp Việt Nam luôn luôn bị thua thiệt, bởi vừa khó huy động vừa bị lãi suất cao.

Bà cũng bày tỏ sự lo lắng khi nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam, “tôi sợ rằng nếu nhà thầu Trung Quốc trúng thầu 8 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc Nam thì sẽ có 8 dự án kéo dài như dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tôi sợ bây giờ họ bỏ để trúng thầu có thể là 1 nhưng rồi đến khi làm lại đắt gấp 2, gấp 3.”

Bộ GTVT: Chất lượng và tiến độ quan trọng hơn việc nhà đầu tư đến từ đâu

Ngày 17/5, trong hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết:

“Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, vì thế chúng ta không được phân biệt đối xử”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có đủ cơ hội đối với dự án cao tốc Bắc – Nam. Thậm chí, các nhà đầu tư trong nước còn có nhiều cơ hội hơn do họ thông thuộc về địa hình, địa chất, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và luật pháp của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng khẳng định các tiêu chí lựa sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án.

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên phải lấy chất lượng làm hàng đầu. Vì vậy, Bộ sẽ kiểm soát các đơn vị tư vấn, thi công… chặt chẽ ngay từ đầu, thậm chí kiến nghị Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài giám sát để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

“Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm”, ông Thể nói.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn khoảng 118.000 tỷ đồng. Gần 64.000 tỷ đồng sẽ được huy động ngoài vốn ngân sách.

Trong đó, 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên – Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang – Vĩnh Long) có chiều dài hơn 120 km, tổng vốn Nhà nước hơn 14.200 tỷ đồng.

8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt; Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 533 km, với tổng mức đầu tư hơn 88.200 tỷ đồng (vốn BOT hơn 51.700 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 36.500 tỷ đồng).

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: