Theo Dự thảo, CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ cần đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an.

Một tháng có gần 15.000 tài xế uống rượu bia bị xử lý
CSGT sẽ không cần đeo ‘thẻ xanh’ khi xử lý vi phạm. (Ảnh: csgt)

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo (lần 2) về Thông tư quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, thay thế cho Thông tư số 1/2016 ngày 4/1/2016.

Theo đó, dự thảo không còn quy định bắt buộc với cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải đeo bảng hiệu (thẻ màu xanh có hình và số hiệu, cấp bậc). Thay vào đó, CSGT chỉ đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an.

Quy định CSGT phải đeo “thẻ xanh” được thể hiện tại Thông tư 45/2012 và thực hiện từ năm 2013. Những người đã qua tập huấn, sát hạch, được cấp thẻ xanh mới được bố trí tuần tra kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm trên đường. Những cảnh sát chưa được cấp thẻ, nếu phát hiện vi phạm vẫn có quyền được dừng xe, nhưng việc xử lý được bàn giao cho cấp trên.

Lý giải việc CSGT không phải đeo thẻ xanh, theo thượng tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, việc thay đổi nêu trên nhằm cụ thể hóa theo quy định của luật Công an Nhân dân 2018 vì luật này chỉ quy định công an nhân dân khi làm nhiệm vụ phải đeo số hiệu (có tên, mã số) mà không cần phải đeo các biển hiệu phụ có nội dung trùng lặp.

4 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm tra

Theo khoản 1 Điều 9 dự thảo Thông tư trên, CSGT sẽ chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 5 trường hợp như hiện nay. Cụ thể:

  • Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
  • Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
  • Có tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc của Thủ trưởng đơn vị.

Trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện hoặc kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề, tại khu vực kiểm soát phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón, dây phản quang, biển báo số 436 “Trạm Cảnh sát giao thông” theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông.

Kim Long

Xem thêm: