Không cấp phép đầu tư xây dựng đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án chỉ được đưa vào vận hành khi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đây là một trong nhiều yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong thông báo ý kiến kết luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành tài nguyên và môi trường.

 ô nhiễm môi trường
Hiện cả nước có khoảng 30 dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, theo Bộ Công thương. (Ảnh minh họa/dẫn qua odishanewsinsight.com)

Đảm bảo việc thanh tra, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trong năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật: rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài nguyên một cách bình đẳng, theo yêu cầu của thực tiễn để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, ngành cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về đất đai để khuyến khích việc tập trung tích tụ đất đai, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập.

Song song là việc rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt liên quan đến tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên biển, xử lý chất thải, khí thải; gắn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tái cấu trúc các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.

Đồng thời nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá tác động môi trường và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác hậu kiểm; kiên quyết không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án chỉ được đưa vào vận hành khi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường. 

Đối với dự án của Formosa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục giám sát, kiểm soát chặt chẽ công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường và công tác quản lý môi trường, đảm bảo đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu mới cho vận hành theo thiết kế. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, sử dụng lãng phí tài nguyên; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, tránh bố trí các đoàn chồng chéo nhau.

Tiến hành điều tra, rà soát phân loại các nguồn thải gây ô nhiễm sông, biển, các vùng kinh tế, đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước, nâng cao chất lượng nguồn nước; tập trung cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm.

Ngoài ra, ngành cần tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, vận hành hồ chứa…

Nhiều dự án lớn nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm

Ngày 19/10/2016, Bộ Công thương ban hành chỉ thị về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương kèm theo danh sách những dự án, nhà máy được coi là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

5 tập đoàn, 2 tổng công ty có tên trong bản danh sách vừa được Bộ Công Thương công bố. Cụ thể danh mục:

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1-Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án nhà máy xử lý khí Cà Mau.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam: Dự án alumin Nhân Cơ-Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, dự án mỏ sắt Thạch Khê và dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Các công ty DAP số 1, DAP số 2, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất photpho và hóa chất thuộc khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) và Công ty Phân đạm Ninh Bình.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty May Việt Thắng.

Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy Giấy Bãi Bằng. 

Theo đó, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với 8 nhà máy. Xếp thứ hai là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 6 dự án, nhà máy.

Tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (1 nhà máy, 3 dự án), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (3 nhà máy, 1 khu công nghiệp).

Tập đoàn Dệt may “bổ sung” thêm 1 khu công nghiệp và 1 tổng công ty.

Đối với 2 Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam, mỗi đơn vị có 1 nhà máy nằm trong danh sách.

Theo công bố của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong diện “giám sát đặc biệt”.

Trước đó, vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cho phép đầu tư những dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, dự án có nguy cơ ở những khu vực nhạy cảm như dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang. Phải đặc biệt lưu ý vấn đề này sau bài học Formosa”.

Vậy với nguồn lực tự nhiên đang dần trở nên rất có hạn của Việt Nam, thì chủ trương bảo vệ môi trường nói trên sẽ đi vào thực tế như thế nào, là điều công luận chờ lời đáp.

Vĩnh Long

Xem thêm: