Nhiều nhân sĩ, trí thức trong các lĩnh vực từ kinh tế đến môi trường, sinh thái, luật khoa, y khoa… đã ký Bản thỉnh nguyện thư kiến nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án lấn biển Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup, sau khi Chính phủ Việt Nam công bố chấp thuận mở rộng diện tích dự án từ 600 hécta lên 2.780 hécta (tăng gấp gần 5 lần). 

Dự kiến, khi tập hợp đủ 5.000 chữ ký online, bản thỉnh nguyện thư sẽ được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và UBND TP.HCM, yêu cầu xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

du an lan bien can gio
Phối cảnh dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. (Nguồn: dẫn qua tài khoản Gaspard L/avaaz.org)

Một dự án với quá nhiều điểm cần xét lại

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) nằm tại huyện Cần Giờ, do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư. Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) sở hữu 87,29% vốn điều lệ tại CTC.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo tiền khả thi năm 2004; TP.HCM cấp phép xây dựng năm 2007, đã san lấp 15,5 hécta.

Theo Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ do ông Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng ký ngày 12/6, dự án được điều chỉnh quy mô từ 600 hécta lên 2.870 hécta.

Tổng vốn đầu tư dự án cũng được điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư (32.558 tỷ đồng), 85% là vốn vay thương mại (184.496 tỷ đồng).

Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày 11/7/2007 cho phần diện tích 600 hécta đã giao cho nhà đầu tư, và 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được thông qua quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án Khu Đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870 hécta, tức lớn gấp 6 lần diện tích Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và 4 lần Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, theo bản thỉnh nguyện thư. Lượng dân cư dự trù lên tới 230.000 người/2.870 hécta, cao gấp hơn 3 lần lượng dân hiện tại của huyện Cần Giờ (khoảng 70.000 người/70.400 hécta), chưa kể mục tiêu đón gần 9 triệu lượt khách du lịch/năm của chủ đầu tư.

Số người dân bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 767 hộ (1.696 nhân khẩu) đang nuôi nghêu, đánh bắt bộ (bắt ốc, kéo lưới tay…) tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh; 232 phương tiện (856 nhân khẩu) khai thác đánh bắt hải sản ven bờ, từ một báo cáo của CTC.

Dự án cần tới 137,6 triệu m3 cát để san lấp; 21 km kè bờ biển được xây dựng với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại, 1 triệu m3 cát trắng (lấy từ Bình Thuận), cần dẫn về Khu vực Dự án 100.000 m3 nước ngọt/ngày đêm; sẽ có 5 cửa xả nước thải đã xử lý trực tiếp ra biển…

Khu vực quy hoạch dự án nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cách vùng lõi (vùng bảo tồn nghiêm ngặt) chỉ hơn 8,6 km; khoảng cách đến ranh khu vực vùng đệm là hơn 1,7 km.

Lời kêu gọi trước giờ G

Đăng từ ngày 1/7, đến chiều ngày 7/7, bản thỉnh nguyện thư trên trang web Avaaz.org đã có gần 4.000 chữ ký. Nhiều trí thức nổi tiếng tham gia góp tiếng nói như: Nhà văn Nguyên Ngọc; Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; GS Ngô Bảo Châu; TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn; KTS Sơn Đặng; Chuyên gia biến đổi khí hậu – TS Nguyễn Ngọc Huy; Bác sĩ – PGS.TS, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Hiếu; TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu; TS sinh thái học – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái Miền Nam Vũ Ngọc Long; GS.TS luật Nguyễn Vân Nam; Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID), người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường quốc tế Goldman…;

Một số tổ chức tham gia thỉnh nguyện như Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam; Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE); Nhóm The Forest Việt Nam.

Những người ký bản thỉnh nguyện thư đồng quan điểm rằng: “Việc xây dựng khu đô thị này là một rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ, đi ngược lại chiến lược ‘Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới,’ tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên ở Cần Giờ có thể cung ứng, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.”

Quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Bộ TN-MT cho thấy các tác động của dự án lên môi trường chưa được đánh giá khách quan, toàn diện.

Đặc biệt, những vấn đề quan trọng nhất chưa được đánh giá đầy đủ trước khi phê duyệt, như: tác động của việc thực hiện dự án đến Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vấn đề xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án, các biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực của dự án.

137,6 triệu m3 cát san lấp cho dự án dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh ĐBSCL, gồm sông Cửa Đại (Bến Tre), sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (Sóc Trăng) – “Ai phải trả giá cho số cát san lấp khổng lồ này?” là câu hỏi được đặt ra và đòi hỏi được trả lời nghiêm túc, trước bối cảnh ĐBSCL vốn đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa bị chặn bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.

Và dù dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, “cho đến nay chưa có một đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về khả năng cung cấp cát san lấp, ảnh hưởng của nguồn cát san lấp dùng cho dự án” – bản thỉnh nguyện thư khẳng định.

Những người thỉnh nguyện xác định TP.HCM không hề có sức ép dân số đến mức cần đổ đất lấn biển, còn Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thực chất là một dự án địa ốc “không cần thiết”, song lại “tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị TP.HCM, nơi hiện tại người dân và chính quyền vốn đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng về ô nhiễm môi trường, ngập lụt, sụt lún, v.v.”,

Dự án cũng “án ngữ mặt tiền ven biển”, “hạn chế và thậm chí có khả năng triệt tiêu quyền lợi thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên” của toàn bộ dân cư trong vùng và từ nơi khác đến.

Ngoài việc phê duyệt dự án đi ngược với quy định của pháp luật hiện hành (UBND TP.HCM “hứa” sẽ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển Cần Giờ cho “phù hợp” với nội dung dự án – điều này là trái với Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo), chưa có một nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án, bao gồm những thiệt hại từ rủi ro, tác động xấu mà dự án có thể mang lại, trong đó có cả môi trường, kinh tế và nguy cơ phân hóa xã hội đối với cộng đồng dân cư địa phương với dân cư mới của khu đô thị.

Theo chủ đầu tư dự án, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 100 tỷ đồng (tính vào thời điểm năm 2016), bổ sung các khoản thu thuế khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời bình quân mỗi năm đóng góp khoảng 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố.

Song, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự báo trong vòng 10 đến 20 năm tới, khu vực Cần Giờ sẽ thấp hơn mực nước biển ít nhất khoảng vài cm. Ông này cảnh báo rằng khi ấy, gánh nặng tài chính của việc bảo vệ vùng đất lấn biển của Vinhomes sẽ rơi vào ngân sách quốc gia chứ không phải vào nhà đầu tư dự án. Và chi phí này có thể rất lớn, theo The Straits Times ngày 23/12/2019.

“Ai phải trả giá?”

KTS Sơn Đặng cho hay mới xem được một báo cáo địa chất khu Cần Giờ. “Mũi khoan đến độ sâu 100m chỉ toàn bùn cát, bùn chảy và đất sét. Ở độ sâu 200m thì được cho là có 1 lớp đá trẻ. Đá trẻ rất khác đá già. Cả một vùng địa chất cửa sông Cần Giờ có thể nói là mềm nhoẹt, và có độ biến động rất phức tạp”, ông Sơn cho biết.

“Tải trọng của 30-40 nhà cao tầng-hàng trăm chung cư-hàng nghìn biệt thự sẽ thúc đẩy cho tốc độ lún của toàn khu tăng nhanh. Với tốc độ lún ít nhất 5-10cm/năm, sau 10-20 năm, khu đô thị này dù có được tôn nền vẫn sẽ lún xuống ngang mặt nước biển”. Song,“lướt qua giới bất động sản vẫn thấy quá nhiều người tiếp tục kích động sốt đất Cần Giờ”, ông Sơn phân tích trong các bài đăng trên trang cá nhân.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, chuyên gia Biến đổi khí hậu – TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định dự án này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà và rủi ro cho các vùng đệm xung quanh.

Thứ nhất, khả năng dự án sẽ chặn dòng thoát lũ. “Điều này có khả năng xảy ra vì khi xây lấn biển nhà đầu tư phải nâng cao code nền chống ngập lụt. Việc nâng cao code nền gần bờ biển khiến nước ở bên trong thành phố không thoát được. Trong điều kiện bình thường các dòng sông có thể đảm nhiệm được nhưng trong điều kiện có siêu bão và lũ lớn thì trung tâm hành chính và kinh tế của TP.HCM khó thoát được ngập. Các nhà thủy lợi học có thể đưa ra phản biện rằng các đường thoát nước của TP.HCM đi ra các hướng khác chứ không nối với Cần Giờ. Đúng! Nhưng kịch bản thoát lũ này chưa tính đến điều kiện siêu bão kèm hoàn lưu bão lâu ngày”.

Thứ hai, dự án hoàn toàn có nguy cơ bị ngập. “Theo kịch bản nước biển dâng do Bộ TN-MT công bố năm 2016, khu vực Cần Giờ có nguy cơ ngập bởi nước biển dâng từ khoảng các năm 2050-2070. Kịch bản này chưa tính đến nguy cơ đất bị lún và siêu bão”.

“Như vậy, nếu tự đặt mình vào vị trí của người mua nhà, tôi sẽ không đầu tư vào đây bởi rủi ro thì nhãn tiền trong khi bảo hiểm rủi ro về nhà ở liên quan đến nước biển dâng thì chưa có. Tôi không muốn cái cảnh lội bì bõm trong khu đô thị hạng sang mỗi dịp triều cường” – ông Huy viết.

Những người ký thỉnh nguyện thư, trong đó có nhiều người dân và giới chuyên gia nhiều ngành cho rằng Chính phủ, Quốc hội và chính quyền TP.HCM cần công khai, minh bạch các thông tin, văn bản, quyết định về dự án, trong đó có Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, để mọi giới đều có thể tiếp cận.

Các cơ quan chức năng cần có quá trình đánh giá lại và cân nhắc thấu đáo về chi phí, lợi ích và tác động môi trường của dự án; trả lời thấu đáo được các vấn đề trong việc lập hành lang bảo vệ bờ biển Cần Giờ, ranh giới dự án đối với Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các tác động đến môi trường, xã hội không chỉ trong vùng xây dựng dự án mà cả những vùng bị tác động gián tiếp chưa được làm rõ.

Các cấp từ UBND TP.HCM đến Chính phủ cần dừng việc điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Những người lên tiếng nói nhận định dự án “không thể là việc riêng của TPHCM”, việc thực hiện dự án cần đảm bảo nguyên tắc “không quyết định khi không đủ dữ liệu, không làm khi không chắc an toàn”.

Vĩnh Long