Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700 m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm.

bot quốc lộ 5
Chủ đầu tư BOT phải xả trạm nếu ùn tắc quá 700 m. (Ảnh: Văn Duy)

Bộ GTVT vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT chủ động lên phương án ứng phó đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, có kế hoạch xả trạm để giao thông thông suốt vào dịp cao điểm.

Theo đó, Bộ yêu cầu các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700 m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, về lâu dài để giảm ùn tắc tại các trạm thu giá phải áp dụng thu giá tự động không dừng. Sau khi triển khai xong 28 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, Tổng cục sẽ yêu cầu toàn bộ trạm do Bộ GTVT và địa phương quản lý thực hiện lắp thu phí tự động. “Việc này phải hoàn thành trong năm 2019 theo yêu cầu của Thủ tướng” – ông Huyện thông tin.

Cũng theo ông Huyện, việc thu phí tự động giúp xe đi qua trạm nhanh hơn, giảm ùn tắc. Khi đó, các phương tiện lưu thông đã lắp thẻ VETC đi trên tuyến sẽ không còn gặp trở ngại nào, đảm bảo sự thông suốt, tránh gây bức xúc do ùn ứ như dịp Tết.

Ngoài ra, ông Huyện cho biết thêm cùng với việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu giá, Tổng cục đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để xử lý các lái xe gây ách tắc giao thông tại trạm thu giá.

Trước đó, ngày 7/2, tại buổi họp tổng kết năm 2017 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã truy trách nhiệm của Văn phòng Quỹ Đường bộ Trung ương về việc giữ lại 15% (khoảng 320 tỷ đồng) nguồn kinh phí bảo trì phân bổ cho các địa phương năm 2017 đến nay chưa được giải ngân.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan liên quan bố trí kinh phí để xử lý toàn bộ các điểm đen tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ như: Đường cong, bán kính hẹp, cầu hẹp, cầu yếu,…; yêu cầu Tổng Cục đường bộ thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo.

Hoàng Minh

Xem thêm: