Di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) là một di chỉ hiếm có từ thời kỳ dựng nước đầu tiên cách đây 3.500 năm.

di chi vuon chuoi
Một số hiện vật khảo cổ được tìm thấy tại di chỉ Vườn Chuối khi đơn vị thi công đào múc mặt bằng. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Ngày 23/4, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ban hành Quyết định 1470 cho phép Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại khu vực Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Ba khu vực sẽ tiến hành khai quật khảo cổ gồm gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn.

Thời gian thăm dò, khai quật từ ngày 25/4 đến 30/11, trên diện tích 500 m2, trong đó, hoạt động thăm dò là 300 m2, khai quật là 200 m2. Cụ thể, gò Vườn Chuối đào thăm dò 100 m2 (25 hố x 4m2/hố); khai quật 200 m2; gò Mả Phượng đào thăm dò 100 m2 (25 hố x 4m2/hố); gò Dền Rắn đào thăm dò 100 m2 (25 hố x 4m2/hố).

Quyết định nêu rõ: “Trong thời gian thăm dò, khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa”.

Theo quyết định, những hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật phải tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật.

Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật, chậm nhất 3 tháng, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.

Theo các nhà khảo cổ học, Vườn Chuối là di tích khảo cổ học cực kỳ quý hiếm, là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, chứa đựng lớp di tích văn hóa trải dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn, cách ngày nay tới 3.500 năm.

Hiện tại, di chỉ đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi công trình đường vành đai 3.5 chạy qua toàn bộ phần diện tích của di chỉ.

Dự án mở đường 3.5 do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ rút ngắn tuyến đường từ trung tâm hành chính quận Hà Đông đến huyện Hoài Đức. Dự án được khởi công từ tháng 10/2017. Tuyến vành đai 3.5 có chiều dài 5,6 km, tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô mặt cắt ngang 60 m với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản gửi thư kêu cứu lên UBND TP. Hà Nội để phản ánh những nguy cơ xoá sổ di chỉ có cư dân đầu tiên của Hà Nội sinh sống. Mặc dù sau đó Sở Văn hóa cho biết sẽ bảo vệ khu di chỉ nhưng khu vực vẫn bị san ủi làm đường vành đai.

Người dân Lai Xá nhiều lần lên tiếng trước cộng đồng về nguy cơ biến mất của di chỉ khảo cổ, đồng thời tự mình lưu giữ những di chỉ khảo cổ bị lộ ra trong quá trình thi công dự án.

Đầu tháng 4, đơn vị thi công khi di chuyển vị trí một số ngôi mộ đã tìm thấy một số hiện vật bằng sứ và đồng. Người quản trang đã chôn lấp tạm thời các hiện vật này tại nghĩa trang theo dạng mộ vô chủ do dự án di dời và liên hệ với Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội xuống nghiên cứu, tiếp nhận.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: