3 văn bản thi hành Luật An ninh mạng đều có thời hạn trình, ban hành trong tháng 10/2018.

luật an ninh mạng
Luật An ninh mạng. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 851 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Theo đó, sẽ có 24 văn bản gồm 20 Nghị định, 1 Quyết định và 3 Thông tư sẽ được xây dựng và ban hành trong thời gian tới để hướng dẫn thi hành 6 Luật vừa được thông qua, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật An ninh mạng.

Đối với Luật An ninh mạng, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan có liên quan soạn thảo 3 văn bản hướng dẫn, gồm:

  • Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng (khoản 2 Điều 5);
  • Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng (khoản 4 Điều 110; khoản 5 Điều 12; khoản 1 Điều 23; khoản 7 Điều 24; khoản 4 Điều 26; khoản 5 Điều 36);
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 3 Điều 10, khoản 3 Điều 43).

3 văn bản này đều có thời hạn trình, ban hành trong tháng 10/2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định trình Chính phủ, các quyết định trình Thủ tướng Chính phủ; ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công xây dựng, trình ban hành văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, tên chuyên viên đơn vị theo dõi và lãnh đạo phụ trách, kết quả cụ thể từng giai đoạn.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực.

Luật An ninh mạng được thông qua vào ngày 12/6 với tỷ lệ 86,86% đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, gồm 7 Chương 43 Điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Kim Long

Xem thêm: