Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội chỉ ra những thiệt hại nặng nề sau sự cố hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, đồng thời nhìn nhận sự cố cũng gây nên sự bất an trong người dân, làm giảm lòng tin của người dân vào cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn…

Theo báo cáo, Formosa thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những hành vi như tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết… Các độc tố hóa học: phenol, xyanua…. là nguyên nhân khiến hải sản chết hàng loạt. Sự cố đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh – chính trị.

Ghi nhận tại 4 tỉnh, có khoảng 100 tấn hải sản chết dạt vào bờ (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy). 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.

Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch, có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn.

Sự cố cũng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng về du lịch. Tỷ lệ khách hủy tour tại 4 tỉnh giảm khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 – 50% so với cùng kỳ năm 2015, riêng Hà Tĩnh công suất phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.

Đánh giá về tác động đối với xã hội, Chính phủ ghi nhận sự cố đã làm giảm lòng tin của người dân về sự đúng đắn, đầy đủ trong quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường, đồng thời cũng để lại hệ quả bất an trong xã hội khi người dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản…

Chính phủ cũng cho hay, các hoạt động quan trắc tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế vẫn tiếp tục được duy trì. Những thiệt hại về môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016.

Trước đó, chiều ngày 27/7, Quốc hội thông qua nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, trong đó không có nội dung giám sát chuyên đề liên quan đến Formosa. Theo giải trình của Thường vụ Quốc hội, việc giám sát hoạt động của Formosa Hà Tĩnh do một cơ quan của Quốc hội thực hiện.
Diệp Thu