Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội hiện đang lên tới trên 150, ở mức ô nhiễm không tốt cho sức khỏe của tất cả mọi người.

Theo aqicn.org, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đo lúc 6h sáng ngày 31/1 là 156 – tức là có 156 hạt bụi PM2.5 trong một mét khối không khí, mức không tốt cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khỏe mạnh và người có vấn đề về hô hấp.

hà nội ô nhiễm
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 ở Hà Nội 6h sáng ngày 31/1/2017, trong đó 2 điểm đo đều cao hơn 150 (Nguồn: aqicn.org)

Cùng thời điểm, chỉ số AQI tại TP.HCM là 112 – mức không tốt đối với những người có vấn đề về hô hấp. Chỉ số AQI tại Khánh Hòa là 16 – mức đạt tiêu chuẩn an toàn.

hà nội ô nhiễm
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 tại TP.HCM và Khánh Hòa lúc 6h sáng ngày 31/1/2017. Có độ chênh lệch lớn về chỉ số không khí giữa hai TP Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hòa (Nguồn: aqicn.org)

Ứng dụng Airvisual thậm chí còn dự báo chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội hôm nay và ngày mai ở mức rất không tốt với chỉ số AQI trên 200. Hiện tại, chỉ số ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại một số điểm như phường Thành Công, phố Hàng Đậu, phường Tân Mai, hồ Hoàn Kiếm… đều vượt trên 200, thậm chí lên tới 274.

hà nội ô nhiễm
Ứng dụng Airvisual cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội trong những ngày đầu năm mới. (Nguồn: airvisual.com)

Ứng dụng Airvisual và trang web đánh giá chỉ số chất lượng không khí aqicn.org thường xuyên chỉ thị mức ô nhiễm ở mức báo động tại Hà Nội với mật độ dày đặc của bụi mịn PM2.5.

Chỉ số chất lượng không khí – AQI (Air Quality Index) biểu thị qua số hạt bụi PM2.5 có trong một mét khối không khí. Ví dụ, AQI bằng 10, tức là có 10 hạt bụi PM2,5 trong một mét khối không khí. Chất lượng của không khí được đánh giá theo chỉ số AQI như sau:

hà nội ô nhiễm

Lượng bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 5 lần ngưỡng cho phép của WHO

Vào trung tuần tháng 1, báo cáo do Tổ chức phi chính phủ GreenID thực hiện cho biết tại Hà Nội, lượng bụi mịn PM2.5 lên tới 50,5 µg/m3, cao gấp 2 lần so với quy chuẩn của Việt Nam (25 µg/m3) và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10 µg/m3.

Lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại TP.HCM là 28,23 µg/m3, cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn trung bình năm của Việt Nam và gấp gần 3 lần so với quy chuẩn của WHO.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2.5 có khả năng phát tán rất xa. Trong các nguyên nhân, giao thông đang là thủ phạm chính.

Tuy nhiên, tình trạng chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 tại Hà Nội ở mức nguy hiểm ngay trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, khi các phương tiện giao thông giảm đáng kể, cho thấy mức độ ô nhiễm tại thành phố này là đáng báo động.

>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì? 

Bụi mịn PM2.5 là gì?

Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi cực nhỏ, có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi điện tử. Nếu so sánh, 1 micromét bằng 1/1000 mm, vậy một hạt bụi PM2,5 sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Theo các nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, bệnh viện và học viện y tế tại Trung Quốc và Mỹ, bụi PM2.5 có khả năng “xâm lấn” vào trong tế bào, gây tác dụng phá hủy tế bào miễn dịch của cơ thể, hấp thu nhiều chất độc hại vào cơ thể, tổn thương phế quản, gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu hoặc tổn thương cơ tim, thậm chí những hạt bụi này có thể có liên quan đến chứng thoái hóa não.

Do có đường kính nhỏ hơn 10 micromet, những hạt bụi này có thể bị con người hít vào khi thở, tích tụ lại, đi vào khí quản và phế quản, thậm chí là phần cuối phế quản và máu. Giáo sư bác sĩ Trương Hữu Bình chủ nhiệm bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh thuộc Đại học Y dược Thủ đô cho biết những hạt PM4.7-10 chỉ có thể vào mũi và hệ hô hấp. Nhưng các hạt như PM0.1, PM0.5, PM1, PM2.5 sẽ thẩm thấu vào phế nang, sau đó chúng có thể vượt qua vách ngăn khí-máu (blood-gas barrier) để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, thậm chí chúng còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Nguyễn Quân

Xem thêm: