Chúng ta đang khó khăn như thế này, đánh cây đi để bỏ ra mấy chục triệu đánh chuyển, rồi lại mất công chăm sóc những cái cây, rồi trồng ở đâu? Tôi khẳng định các cây này không thể trồng ở các tuyến phố được, mà chỉ có thể đem ra công viên…“, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

dụ an chat cay
Hai hàng cây kéo dài bên đường với số lượng hơn 1.300 cây trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). (Ảnh: Trần Tâm)

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sáng 20/6, liên quan đến 1.300 cây xanh trong dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long, cử tri đã đề nghị thành phố thận trọng để có phương án tối ưu, xem cây nào cần di dời, cây nào phải chặt hạ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra 3 yếu tố khẳng định việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là không hiệu quả.

Thứ nhất là hiệu quả về kinh tế, làm sao để di chuyển, chặt hạ những cái cây này, khi làm dự án phải tính toán hiệu quả nhất về kinh tế.

Thứ hai là tính toán nghiên cứu xem cây xà cừ này đánh chuyển xong thì trồng ở đâu, nó có sống được không, và hiệu quả kinh tế đem lại là gì?

Thứ ba là Sở Xây dựng họp thông báo đúng vào cái hôm nắng nóng nhất trong 40 năm vừa qua, tạo ra cái bức xúc cho bà con, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm cái này“, ông Chung nói.

Theo ông Chung, tuyến đường vành đai 3 kéo từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long vốn đã có quy hoạch từ năm 1992. “Lẽ ra, khi có quy hoạch rồi thì không nên trồng cây vào giữa đường để bây giờ phải chặt. Nhưng thôi, bây giờ chuyện đã rồi“.

Ông Chung cho biết qua khảo sát có 1.300 cây nằm trên tuyến đường, trong đó có một số cây đường kính từ 80-100cm, còn lại 35-90cm, có độ tuổi từ 25-28 năm.

Cây xà cừ 26-27 tuổi, đường kính 35-40cm, tới đây nếu chúng ta đánh đi thì trồng ở đâu? Trên địa bàn Thành phố không có tuyến phố nào có thể trồng được những cây này vì khi chúng ta đánh lên, rễ của nó phải có đường kính 3m, tới đây phải đào hố có đường kính 3,5m, ít nhất sâu cũng phải 1,5m thì mới cho cái cây vào trồng được“, ông Chung nói.

Ngoài việc khẳng định cây xà cừ đánh lên khó trồng lại được, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng còn phải tính đến hiệu quả kinh tế khi đánh chuyển cây xanh.

Chúng ta cũng phải có cọc cao 25m, và phải chống trong vòng 3-4 năm, những cái rễ này ăn sâu vào thì mới đỡ được, thì lúc đó mới sống được. Chúng ta đang khó khăn như thế này, đánh cây đi để bỏ ra mấy chục triệu đánh chuyển, rồi lại mất công chăm sóc những cái cây, rồi trồng ở đâu? Tôi khẳng định các cây này không thể trồng ở các tuyến phố được, mà chỉ có thể đem ra công viên.

Chúng tôi cũng đã nghĩ, những cây nào có thể trồng được thì tới đây sẽ đem ra những bùng binh đường 5 kéo dài và đường Võ Nguyên Giáp có bùng binh rất rộng để trồng vào đó. Nhưng cũng chỉ trồng một tỷ lệ nhất định chứ không thể trồng toàn bộ là cây xà cừ, còn phải trồng hoa, trồng các loại cây khác“, ông Chung cho hay.

Cũng theo chủ tịch Hà Nội, những cây có đường kính 25-30cm có gia mua chỉ 3-3,5 triệu đồng/cây, nếu dùng kinh phí để đánh chuyển để mua cây có thể trồng mới được 15.000-18.000 cây.

‘Nếu không khởi công thì nguồn vốn ODA sẽ bị cắt’

Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng nếu dự án chậm tiến độ có thể ảnh hưởng đến dự án đường trên cao của Bộ GTVT.

Đây là dự án vay vốn ODA của Nhật Bản. Nếu tháng 7/2017 này Bộ GTVT không khởi công được là từ tháng 8 sẽ bị cắt nguồn vốn ODA, đẩy chi phí lên rất cao”, ông Chung nói.

Dự án này bắt đầu được duyệt từ tháng 6/2016, tháng 9 thì khởi động, đền bù. 822 hộ dân ở đây rất ủng hộ, tự nguyện đập nhà và đến nay hơn 200 hộ thuộc địa bàn Cầu Giấy đã bàn giao xong. Chưa có dự án nào công tác giải phóng mặt bằng nhanh như vậy“.

Chủ tịch thành phố cho biết nếu thuận lợi sẽ thông được 2,7km vào trước tháng 7/2017, nếu hoàn thành vào tháng 12 sẽ tiết kiệm được 600-700 tỷ đồng, nhưng nếu kéo dài thì rất khó khăn.

Ông Chung cho biết thêm, tới đây nếu mở rộng tuyến đường từ vành đai 2 từ ngã tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy – hiện đã xong từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động, đoạn từ cầu Mai Động đến Bạch Mai và Trương Định – , cũng có mấy chục cây xà cừ đường kính 1,2m -1,5m cũng phải xử lý; rồi một loạt tuyến đường khác nữa.

Chúng tôi đã nghiên cứu, không một nước nào trên thế giới là không gặp phải vấn đề này. Vừa qua tôi đi Melbourne (Úc), người ta phải phá toàn bộ đi để làm sân vận động, và thực tế sau thì hiệu quả kinh tế lớn hơn. Chúng tôi cũng đang rất cân nhắc và hoàn toàn đồng ý với cử tri, sẽ cho khảo sát kỹ lưỡng, những cây nào còn chiều hướng phát triển tốt, đẹp thì cố gắng đánh chuyển, còn cây nào cong queo, không có giá trị về kinh tế, mỹ thuật thì phải chặt hạ. Những cây nào không vào tuyến đường thì để lại”, ông Chung khẳng định.

Đề cập tới đầu vào và đầu ra của việc trồng cây xanh, ông Chung cho biết  hiện toàn bộ việc trồng trên 350.000 cây được sử dụng từ 3 nguồn, thứ nhất là huy động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tặng cây, một số đại sứ quán và các tỉnh tặng cây, và từ ngân sách thành phố .

Ông Chung cam kết phương án đối với 1.300 cây trên đường Phạm Văn Đồng sẽ do thành phố quyết định và sẽ công bố công khai trên cổng thông tin Thành phố và các báo đài của Hà Nội, cam kết sẽ  tính toán đạt lợi ích kinh tế cao nhất và hiệu quả nhất.

Theo Báo cáo năm 2015 của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất cây xanh khu vực nội đô hiện mới đạt khoảng 3m2/đầu người, còn thiếu 4m2 so với chỉ tiêu.

Đây là mức thấp so với chỉ tiêu bình quân cây xanh trên đầu người trong đô thị của nước trên thế giới như Nhật Bản 7,5m2, London 26,9m2, Singapore 30,3m2, Seoul 41m2…

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, tính đến năm 2015, bình quân không gian xanh của Hà Nội chỉ là 1,7m2/người.

Tại Quyết định số 4924 về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”, Hà Nội đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bình quân cây xanh lên gấp 6 lần, từ 2m2/người lên 10-12m2/người. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2020, thành phố sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh.

Nguyễn Quân

Xem thêm: