Tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương tạm dừng thu phí từ cuối năm 2018, đến nay, Bộ GTVT đã có văn bản thúc Chính phủ nhanh chóng đồng ý cho việc thu phí trở lại.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM, Bộ GTVT
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương. (Ảnh: tendi)

Truyền thông Việt Nam vừa đưa tin, Bộ GTVT muốn Chính phủ nhanh chóng xem xét, thông qua việc thu phí qua trạm BOT đặt tại tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Bộ này biện giải rằng, sau khi hết thời hạn thu phí vào cuối năm 2018, từ đầu năm 2019 đến nay, lưu lượng xe trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương tăng đột biến, nhiều xe vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp khiến kẹt xe, khiến trật tự an toàn giao thông bị ảnh hưởng, khiến vận tốc trung bình trên cao tốc giảm chỉ còn 60-70km/h (trong khi vận tốc trung bình lúc thu phí là 100km/h),…

“Việc tạm dừng thu phí làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng và khai thác tuyến cao tốc. Do đó, việc tiếp tục thu phí là rất cấp thiết”, Bộ GTVT cho hay.

Ngày 8/7 tới đây, Bộ GTVT sẽ có cuộc họp để giải quyết vấn đề này, tờ Pháp luật TP.HCM đưa tin.

Báo này cũng dẫn lại ý kiến từ TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam cho rằng, cần sớm thu phí trở lại. Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước, việc dừng thu phí để càng lâu càng lãng phí. “Chúng ta phải thu phí để còn thu hồi vốn, duy tu, bảo dưỡng…” – ông Hùng nói.

Thế nhưng, dư luận đặt câu hỏi, cao tốc TP.HCM – Trung Lương thu phí trở lại liệu có tránh khỏi tham nhũng, khi trước đó, cơ quan điều tra đã phát hiện việc công ty Yên Khánh – nhà đầu tư trúng đấu giá quyền thu phí tại dự án này, đã dùng phần mềm để gian lận doanh số thu phí từ năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hồi đó cho rằng vụ việc này là “không liên quan đến Bộ GTVT”.

Tờ Diễn đàn doanh nghiệp trong một bài viết vào năm 2019 dẫn lại lời nhận xét từ luật sư Nguyễn Tiến Lực (Đoàn Luật sư TP.HCM), rằng: “Sự ‘béo bở’ từ các dự án BOT đã tạo kẽ hở pháp lý khiến lòng tham không chỉ của một cá nhân mà còn liên quan tới nhóm lợi ích trên mọi phương diện và đằng sau là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan hữu quan”.

Theo Luật sư Lực, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên xuất phát từ lỗ hổng hệ thống pháp lý trong quản lý các dự án theo hình thức BOT. Trong đó, những vấn đề tồn tại liên quan tới chính sách chung do vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt là tồn tại nhiều quy định không rõ ràng, không thống nhất để áp dụng cho một vấn đề.

ĐBQH Dương Trung Quốc nói trên tờ Đời sống và Pháp luật: “Về lợi ích nhóm, đầu tiên phải nói đến đơn vị khai thác. Họ gian lận để thu về lợi nhuận nhiều hơn so với vốn đầu tư của họ. Tuy nhiên, Nhà nước là đơn vị quản lý nắm rõ số tiền đầu tư ấy, cụ thể là bộ GTVT quản lý, chỉ cần nghiêm túc một chút là có thể phát hiện ra điều sai, tiêu cực. Tại sao tiêu cực trong BOT lại tồn tại lâu dài? Nhiều người đã nghi ngờ có sự thông đồng”.

Xin nhắc lại, dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài gần 62 km, kinh phí xây dựng 9.884,5 tỷ đồng (đã điều chỉnh) bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, như: chất lượng chuẩn bị đầu tư cho công trình thấp; việc khảo sát địa chất không kỹ; không chấp thuận cho các nhà thầu khoan khảo sát địa chất trong bước vẽ thi công khiến ảnh hưởng chất lượng, tiến độ dự án; BQL dự án đã nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu sai trên 32,7 tỷ đồng;…

Nói thêm, hồi tháng 6/2020, dư luận trong nước bày tỏ sự bức xúc, khi ông Nguyễn Văn Huyện thông báo “nội dung mới” từ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi là: thu phí cao tốc cả đời, kể cả các dự án BOT đã hết thời hạn thu phí,…

Kim Long