Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết sân bay sẽ xây cách TP. Cao Bằng 13 km về phía Đông Nam. Đây là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, phục vụ đi lại, du lịch.

IMG 0277
Cao Bằng muốn làm sân bay sát biên giới Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Minh Hồng)

UBND tỉnh Cao Bằng vừa có công văn đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT bổ sung Dự án sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề xuất này được đưa ra với lý do Cao Bằng là tỉnh miền núi chỉ có duy nhất giao thông đường bộ. Các loại hình giao thông khác chưa phát triển được do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa được đầu tư.

Ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết sân bay Cao Bằng đã được xác định xây tại vị trí cách thành phố Cao Bằng 13km về phía Đông Nam. Đây là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, phục vụ đi lại, du lịch.

Trước đó, tại Quyết định 21 năm 2009, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, sân bay Cao Bằng đã được đưa vào danh mục xây dựng.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 236 năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 lại không có danh mục đầu tư sân bay Cao Bằng.

Hiện chính phủ đang giao Bộ GTVT tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, Cao Bằng đề nghị bổ sung dự án sân bay Cao Bằng vào quy hoạch này.

Ngày 26/6/2017, Cao Bằng đã có quyết định số 939 về phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm phát triển công nghiệp, khoáng sản, tăng cường liên kết kinh tế giữa Cao Bằng với các tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ và các tỉnh phía Tây và Tây Nam Trung Quốc,…

Theo quyết định, nhu cầu quỹ đất cho phát triển giao thông đến năm 2020 là 2.581,64 ha. Trong đó quỹ đất cho mạng lưới giao thông đường bộ là 2.170,9ha; bến xe là 10.3ha; sân bay là 400ha; công nghiệp cơ khí giao thông là 0.44ha.

Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển GTVT đến năm 2020 là 49.865,10 tỷ đồng. Trong đó: vốn cho kết cấu hạ tầng đường bộ là 36.444,2 tỷ đồng; phương tiện vận tải là 13.334,40 tỷ đồng; công nghiệp cơ khí giao thông là 16 tỷ đồng.

Kim Long