Sau khi tiếp xúc, điều trị cho một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, 3 nhân viên y tế gồm: 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Khoa Tim mạch có triệu chứng lây nhiễm cúm từ bệnh nhân này.

cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1. (Ảnh: shutterstock)

Ngày 12/6, bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân bị dương tính với cúm A/H1N1 và 3 nhân viên của bệnh viện có biểu hiện của cúm A/H1N1.

Trước đó, khoảng 11h40 ngày 8/6, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (84 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) từ bệnh viện thị xã Bình Minh trong tình trạng huyết áp tăng, tim thiếu máu cục bộ, viêm phổi. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tim mạch để điều trị.

Đến 21h ngày 9/6, bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ nhận được thông tin từ bệnh viện thị xã Bình Minh – bệnh nhân T. trong quá trình điều trị đã nằm chung giường với một bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1.

Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chuẩn và chỉ định chuyển bệnh nhân T. qua khoa Nhiễm của bệnh viện để điều trị viêm phổi, đồng thời theo dõi cúm A/H1N1.

Bệnh nhân T. cũng được lấy bệnh phẩm gửi lên bệnh viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Bác sĩ Bùi Văn Đời – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết bệnh viện đã thống kê, lập danh sách các nhân viên y tế đã tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân T.

Theo đó, 3 nhân viên y tế gồm: 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Khoa Tim mạch có triệu chứng lây nhiễm cúm từ bệnh nhân này. Hiện bệnh viện đã tổ chức cách ly và điều trị cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế.

Đối với 2 người nhà của bệnh nhân T. cũng đang được theo dõi sát và điều trị dự phòng.

Về phía bệnh nhân T., sau 5 ngày nhập viện và điều trị đến nay, tình trạng sức khỏe đã được cải thiện, huyết áp bình thường, thở đều, giảm ho, giảm mệt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus Cúm A(H1N1) gây nên. Khác với cúm mùa thông thường, Cúm A(H1N1) có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người mang virus Cúm A(H1N1) có khả năng lây truyền virus cho những người xung quanh với khoảng cách 01 mét khi tiếp xúc và thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày kể từ khi bị lây nhiễm.

Biểu hiện bệnh cúm

  • Đa số các trường hợp có các dấu hiệu: người bệnh cảm thấy mõi mệt, sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau nhức đầu, đau cơ…
  • Bệnh tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên trên một số đối tượng bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Các dấu hiệu biểu hiện bệnh diễn biến nặng như: sốt cao (trên 39oC), tức ngực, khó thở, tím tái, lừ đừ hay kích thích.

Cách phòng ngừa bệnh Cúm A(H1N1)

  • Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
  • Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau khi sử dụng bỏ ngay vào thùng rác.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng (mở cửa sổ).
  • Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm A(H1N1), đặc biệt cần thiết đối với những người có nguy cơ dễ mắc Cúm A(H1N1) nêu ở trên.

Minh Long

Xem thêm: