Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, theo đó người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước không được đăng ký đứng đầu bệnh viện tư nhân.

benh vien cong
(Ảnh minh họa: qua marrybaby.vn)

Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Theo đó, người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Khi đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề có thể đăng ký làm ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Tuy nhiên, người hành nghề không được đăng ký cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ Luật lao động.

Nghị định trên áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam và không áp dụng với việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội.

Ngọc Long

Xem thêm: