Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường” – ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nói về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của Bộ này. 

tang thue xang dau
Con số hơn 14.000 tỷ đồng/năm ước tính từ tăng thuế BVMT đối với xăng dầu chưa bằng số lẻ của mức bội chi ngân sách năm 2017. Ảnh chụp tại Sóc Trăng, Việt Nam. (Ảnh minh họa/Getty Images)

Thực tế, không chỉ xăng dầu và nhiều mặt hàng bị đề xuất tăng mức thuế BVMT. Thu nhập cá nhân, tài sản, thậm chí tất cả các loại hàng hóa đều đang đứng trước cuộc rượt đuổi tăng thuế suất từ Nhà nước.

Hiện dự thảo nghị quyết về biểu thuế BVMT do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Chính phủ thông qua. Về phía Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình để chính thức trình dự thảo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức thuế như đề xuất, ngân sách sẽ có 55.096 tỷ đồng/năm từ thu thuế BVMT với xăng dầu, tăng 14.368 tỷ đồng/năm so với hiện tại.

Cụ thể con số 14.368 tỷ đồng/năm sẽ được sinh ra như thế nào? Thuế BVMT với xăng (trừ xăng ethanol) được đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít như hiện hành lên mức trần 4.000 đồng/lít, tức mỗi người tiêu dùng phải trả thêm 1.000 đồng cho mỗi lít xăng sử dụng.

Tương tự, chi phí phải trả cho các loại nguyên liệu khác cũng đồng loạt tăng do thuế áp kịch trần. Thuế BVMT với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, với mặt hàng dầu hỏa, nếu như các tờ trình trước đây đều đề xuất giữ nguyên mức 300 đồng/lít thì lần này, Bộ Tài chính được Chính phủ đồng ý phương án tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Nếu đề xuất trên được thông qua, mức giá mới sẽ áp từ ngày 1/7/2018.

Trong khi mức thuế suất mới đang treo lơ lửng, giá xăng không ngừng được điều chỉnh tăng. Tính từ mức đáy 16.760 đồng/lít vào ngày 5/7/2017, tính đến nay (23/5/2018), giá xăng đã qua 21 lần điều chỉnh, tăng 12 lần, giảm 3 lần, đi ngang 6 lần. Trong vòng 10 tháng, giá xăng đã tăng lũy kế 4.751 đồng/lít (xăng RON 95).

Không chỉ mặt hàng xăng dầu, tháng 8/2017, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT tăng từ 10% lên 12%. Nếu đề xuất này được thông qua, bất kỳ người dân nào, khi mua bất kỳ mặt hàng nào, cũng phải trả thêm 2% thuế trên tổng giá trị mặt hàng so với trước.

Tháng 4/2018, cả thuế thu nhập cá nhân và thuế tài sản nhà đất cùng được đề xuất thay đổi định mức thu.

Với thuế thu nhập cá nhân, Bộ đưa ra 2 phương án, và có phần nghiêng về phương án 2 – phương án ước tính làm tổng thu ngân sách tăng 500 tỷ đồng. Nếu phương án này được thông qua, những người có thu nhập từ 10 triệu đồng đến 80 triệu đồng sẽ phải đóng thêm thuế so với hiện tại.

Đối với thuế tài sản nhà đất, thay vì đánh thuế tài sản đối với ngôi nhà đất thứ 2 như dự kiến trước đây, Bộ đề xuất đánh thuế ngay trên ngôi nhà thứ nhất, với mức thuế suất 0,4% mỗi năm cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng.

Tận thu là tận diệt ngân sách, khi người lao động, doanh nghiệp không thể tích lũy đầu tư, tái sinh, mở rộng năng lực. Áp thuế cao có thể làm tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây là con đường tận diệt nguồn thu khi nền kinh tế đi tới suy tàn.

Tăng thuế có đủ bù chi cho ngân sách?

Thực tế, con số hơn 14.000 tỷ đồng/năm ước tính từ tăng thuế BVMT đối với xăng dầu chưa bằng số lẻ của mức bội chi ngân sách năm 2017 – 115.500 tỷ đồng, dù đây là mức bội chi thấp nhất trong 10 năm qua.

Trong khi đó, Bộ KH&ĐT ước tính bội chi ngân sách năm 2018 sẽ trên 194.300 tỷ đồng. Không một nguồn thu nào có thể đủ bù đắp cho ngân sách luôn bội chi hàng năm của Chính phủ do các khoản đầu tư thua lỗ, chi tiêu thường xuyên vượt mức.

Vốn đầu tư vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước thường dẫn tới các khoản nợ nghìn tỷ. Chỉ riêng Tập đoàn than & khoáng sản Việt Nam (TKV), báo cáo kết quả thanh tra năm 2015 cho thấy TKV nợ tới 100.343 tỷ đồng; số nợ chịu lãi suất lên tới 78.078 tỷ đồng. Năm 2015, tập đoàn này phải trả 10,5 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Sang năm 2016, số tiền lãi tăng lên 12 tỷ đồng mỗi ngày.

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang gánh khoản nợ hơn 87.483 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ so với năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn là 22.364 tỷ đồng, nợ dài hạn là 65.118 tỷ đồng. Trong “siêu” dự án liên doanh trị giá 1,8 tỷ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela, sau 3 năm thực hiện, PVN cuối cùng chịu mất hơn 500 triệu USD mà không thu về giọt dầu nào.

Trên cả nước, phổ biến tình trạng dự án thất thoát, đội vốn. Ngày 21/5, theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội, qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính tới 10.125 tỷ đồng. 

Hàng loạt những dự án đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, như dự án Cảng nhập than trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng; Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỷ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng. Dự án thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh tăng đến 3.361 tỷ đồng…

Sau 4 lần điều chỉnh, vốn đầu tư Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đã tăng gấp 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Dự án đã triển khai 17 năm song vẫn dở dang, hiện đang tạm dừng thi công vì không có vốn. Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình – bà Nguyễn Thị Thanh cho biết khi làm vướng khu cố đô nên phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư; nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ (!). Tổng số tiền giải ngân đạt 1.223 tỷ đồng/tổng số 2.595 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 1.108 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 115 tỷ đồng.

Những con số trên chỉ là bề nổi của tảng băng “ngân sách” đang bị lạm dụng dưới hình thức “chi tiêu công”. Thực tế, câu hỏi “tăng thuế có đủ bù chi cho ngân sách” là một câu hỏi không có câu trả lời, khi người dân không có nghĩa vụ đóng thuế để bù cho các khoản thâm hụt ngân sách vô lý.

Để thực hiện các chương trình hành động của mình, Chính phủ phải có nguồn ngân sách, và nguồn thu chủ yếu là từ thuế. Nhưng một chính phủ liêm chính bắt đầu từ việc sử dụng ngân sách đúng đắn cho phúc lợi xã hội, bảo vệ trật tự, ngăn nguy cơ tấn công ngoại bang. Đôi khi thuế trở thành công cụ để thu hẹp thị trường của một loại hàng hóa.

Nêu ra câu hỏi “tăng thuế có đủ bù chi cho ngân sách” chỉ để thấy rõ hơn một thực tế, nếu như việc tăng thuế được tiến hành với mục đích để “cơ cấu lại nguồn thu ngân sách” như Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi khẳng định, thì rất khó để tìm thấy điểm dừng cho cuộc rượt đuổi tăng thuế này, kể cả về loại thuế hay mức đánh thuế.

Vĩnh Long

Xem thêm: