Theo kết quả kiểm tra nhanh mẫu nước, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi từ 5,6 – 11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10 – 20 lần.

ca chet song la nga
Cá bị chết là các loại cá lăng, chép, leo… (Ảnh: FB Người Đồng Nai)

Ngày 22/5, ông Huỳnh Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã làm việc với UBND huyện Định Quán và hai xã La Ngà, Phú Ngọc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt tại các bè nuôi trên sông La Ngà.

Ông Vinh cho biết kết quả kiểm tra nhanh mẫu nước tại nơi cá chết cho thấy hàm lượng oxy hòa tan đều thấp, nồng độ NH4, NO2 vượt giới hạn cho phép nhiều lần.

Cụ thể, hàm lượng oxy hòa tan thấp, dao động trong khoảng 2,6 – 3,2 mg/lít (hàm lượng oxy hòa tan tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít trở lên). Chỉ số hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi từ 5,6 – 11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10 – 20 lần.

Cũng theo Sở NN, thời điểm hiện tại mực nước hồ đã và đang rút xuống nhiều khiến mật độ các hộ nuôi neo đậu bè cá khá dày, có xu hướng tập trung về phía khu vực chân cầu. Những bè có cá chết đều bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ở thượng nguồn từ suối Tam Bung đổ về. Tuy nhiên, các bè nuôi ở tại khu vực eo Suối Co (hạ nguồn) không có cá chết.

Bên cạnh đó, trước khi cá chết hàng loạt, tại địa phương xảy ra mưa lớn kéo dài hơn 7 tiếng khiến nước cuốn theo các chất ô nhiễm khác làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2… dẫn đến hiện tượng cá bị sốc, chết hàng loạt.

Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường.

Để có kết quả chính xác, chi cục Thủy sản đã tiến hành thu mẫu cá gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích bệnh cá và lấy mẫu nước gửi Trung tâm dịch vụ phân tích môi trường TP.HCM phân tích một số chỉ tiêu môi trường.

Cũng theo thống kê từ Sở NN&PTNT, có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) bị thiệt hại. Cá chết chủ yếu là điêu hồng, cá chép, cá lăng và cá mè với tổng số lượng là 1.538 tấn.

Về phương án hỗ trợ, ông Vinh cho biết có 2 phương án:

Phương án 1: Nếu nguyên nhân cá chết là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ người dân khoảng 10 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là những hộ nuôi trồng trong vùng quy hoạch, có đăng ký với địa phương, có áp dụng các giải pháp khác để khắc phục hậu quả,…

Phương án 2: Nếu nguyên nhân là do tác động từ việc xả thải của các công ty hoạt động xung quanh, Sở sẽ đề nghị lực lượng cảnh sát Môi trường tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khoảng thời gian từ 21h ngày 20/5 đến 0h ngày 21/5, cá tại bè nuôi của các hộ dân trên sông La Ngà có biểu hiện ngộp, lờ đờ, trồi lên mặt nước, rồi nổi chết trắng lồng.

Năm 2012 và năm 2016, tại khu vực này đã từng ghi nhận có hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, cá chết đợt này là nặng nề nhất. Người dân nghi cá chết là do nước thải vì cách đó khoảng 7 km ở phía thượng nguồn là nơi có nhiều công ty hoạt động.

Nhiều hộ dân khóc ròng khi chỉ trong một đêm mất trắng hàng tỷ đồng. Một người dân địa phương với làn da rám nắng, mếu máo nói “Để đầu tư nuôi 60 tấn cá, gia đình chúng tôi phải cầm cố sổ đỏ. Đáng lẽ, cá sắp thu hoạch bán với giá 40.000 đồng/cân nhưng giờ chỉ còn 3.000 đồng, mà phải năn nỉ thương lái họ mới mua cho.

Bây giờ chúng tôi phải làm lại từ đầu để trả nợ chứ biết làm thế nào, chỉ mong cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân để người dân yên tâm nuôi trở lại”.

Trần Tâm

Xem thêm: