Mới đầu năm, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị.

dau mat do
Dịch đau mắt đỏ phát triển mạnh sau Tết nguyên đán. (Ảnh minh họa: qua benhnhi.vn)

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện mỗi ngày có từ 150 – 200 bệnh nhân đau mắt đỏ từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tới khám bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu.

Năm nay, dịch đau mắt đỏ bùng phát sớm hơn so với mọi năm. Thông thường, dịch sẽ bùng phát vào tháng 9, tháng 10 nhưng sau Tết nguyên đán 2017, bệnh viện đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám.

Bệnh đau mắt đỏ lây nhanh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và các vật dụng có dính nguồn lây.

Theo bác sỹ Hoàng Minh Anh – Trưởng Khoa Tổng hợp (Bệnh viện Mắt Trung ương), virus đau mắt đỏ thường phân tán mạnh trong không khí nên dễ bị lây nhiễm. Chỉ cần người bệnh dụi mắt và cầm vào các đồ vật dùng chung là đã đưa virus ra bên ngoài. Người chưa mắc bệnh khi cầm vào vật dụng đó và lấy tay dụi lên mắt, mũi sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm, độ ẩm cao. Bệnh có một số dấu hiệu báo trước như: sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày với các biểu hiện như: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, có cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan từ mắt bệnh sang bên mắt lành.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị mà nên đến bệnh viện gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám. Nhiều người khi phát hiện bị đau mắt đã tự mua thuốc điều trị khiến bệnh kéo dài do sử dụng không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh.

Nếu bị đau mắt đỏ kéo dài, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu… có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa,…

Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân. Người có dấu hiệu đau mắt không nên sờ tay vào mắt của mình, nên thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn; nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm cho người xung quanh; không dùng chung các vật dụng cá nhân như: khăn, chậu rửa mặt, cốc uống nước,…

Ngọc Long

Xem thêm: