Sau hơn một tháng miễn phí (1/1 – 5/2/2017), bắt đầu từ hôm nay (6/2), hành khách đi xe buýt nhanh BRT sẽ phải trả tiền với giá vé 7000 đồng/lượt.

buyt nhanh brt
(Ảnh: hanoibrt.vn)

Dự án BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được TP. Hà Nội đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2017có mức đầu tư 53,6 triệu USD, chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 01 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 01 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 04 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 01 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Hành khách được đi buýt nhanh miễn phí hơn 1 tháng.

Sau hơn 1 tháng, xe buýt nhanh BRT sẽ bán vé, giá vé xe buýt nhanh BRT được bán với mức giá như xe buýt thường. Vì vậy, với vé liên tuyến hành khách có thể sử dụng vé xe buýt thường để đi xe buýt nhanh. Vé buýt nhanh BRT được bán ở các nhà chờ và hai đầu bến Kim Mã, Yên Nghĩa.

Mức giá vé được bán cụ thể như sau:

  • Với người ưu tiên (học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người cao tuổi): vé tháng 1 tuyến là 55.000 đồng/vé/tháng; vé tháng liên tuyến là 100.000 đồng/vé/tháng.
  • Với người không ưu tiên: vé tháng 1 tuyến là 100.000 đồng/vé/tháng; vé tháng liên tuyến là 200.000 đồng/vé/tháng.
  • Với người mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên): vé tháng 1 tuyến là 70.000 đồng/vé/tháng; vé tháng liên tuyến là 140.000 đồng/vé/tháng.

Theo thống kê, trong tháng đầu tiên vận hành (từ 1-31/1), tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa đã thực hiện 9.394 lượt xe, với tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ là 97,9%, phục vụ gần 339.000 khách vé lượt và hơn 36.700 khách vé tháng.

Trong đó, 5 nhà chờ có số lượng vé cao nhất là Kim Mã (61.632 khách), Hoàng Đạo Thúy (32.334 khách), Nguyễn Tuân (28.263 khách), Vũ Ngọc Phan (27.199 khách) và Bến xe Yên Nghĩa (25.267 khách).

Theo Quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn và sẽ có 08 tuyến xe buýt nhanh để phục vụ hành khách đi lại.

Ngọc Long

Xem thêm: