Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mở cửa thu phí trở lại là một việc không thể không quan tâm.

Vì phí được giảm 30% tại một trạm BOT thu phí tuyến tránh song đặt trên quốc lộ đồng nghĩa với việc tiền của người dân sẽ tiếp tục bị bòn rút, sai phạm của những người ký duyệt dự án tiếp tục được che bọc, ngày càng nhiều doanh nghiệp trở nên méo mó trong môi trường đầu tư “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”.

14 giờ, 3 lần buộc phải xả trạm – là câu trả lời thực tế khi những cái sai vô lý của dự án BOT Cai Lậy không được sửa chữa. Tại sao làm đường tuyến tránh nhưng lại thu phí trên Quốc lộ? Tại sao gần 1.400 tỷ đồng cho một dự án đầu tư BOT, lại đẩy người dân vào cảnh phí chồng phí? Tại sao các dự án BOT sai phạm vẫn có thể lờ đi các kết quả kiểm toán, thanh tra của Nhà nước, một số chuẩn bị áp dụng hình thức thu phí tự động?

Screenshot 9 1
Tình hình căng thẳng tại Trạm BOT Cai Lậy trong đêm, rạng sáng 1/12. (Hình ảnh từ clip/FB Bạn hữu đường xa)

Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm thu phí – là tuyên bố của lãnh đạo Bộ GTVT trong buổi họp báo về việc thu giá tại BOT Cai Lậy hồi tháng 8/2017.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho hay phải đặt trạm thu phí ở vị trí hiện nay thì mới đảm bảo phương án tài chính. Chỉ riêng tuyến tránh Cai Lậy sẽ không bao giờ thu đủ. “Không đặt trạm ở đấy sẽ không có dự án này”, ông Huyện nói. Tức là ngay từ khi hình thành dự án, những người cấp phép, ký duyệt cho phép dự án triển khai đã biết rõ về sự bất hợp lý khi người dân không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải trả phí.

Hơn hai tháng sau những tuyên bố trên, CSGT, CSCĐ được đẩy ra trạm, với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Nhưng những can thiệp để giữ trật tự lại là thu giữ giấy tờ của tài xế, cưỡng chế tài xế về trụ sở làm việc, chỉ huy xe cứu hộ cẩu xe đang dừng đỗ tại làn thu phí…

Việc lực lượng công an can thiệp vào những hoạt động tại trạm BOT Cai Lậy là đúng hay sai?

Theo Điều 4, Luật Công an nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân “thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Việc trả tiền – thối tiền khi mua vé qua trạm là một giao dịch dân sự đơn thuần giữa người dân và chủ doanh nghiệp. Những chiến sĩ CSGT, CSCĐ có nghĩa vụ phải vượt ra khỏi vị trí trung lập, cưỡng chế bằng vũ lực đối với một nhóm dân sự để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm dân sự khác hay không? Điều này mỗi cá nhân trong lực lượng ấy có thể tự trả lời được.

Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm trước những chính sách, quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới đời sống của bản thân và xã hội, miễn đó là phản kháng ôn hòa. Việc tài xế trả tiền lẻ/tiền chẵn như một hình thức biểu đạt ý kiến trước những sai trái kéo dài tại trạm. Điều này sẽ gây phá hoại trật tự, an ninh xã hội hay nhờ đó xã hội Việt Nam mới tốt lên, quốc gia mới mạnh?

Luật pháp không cho phép việc “ăn chặn” tài sản của người khác, cũng không bắt buộc người dân phải nghe theo một cách không phản biện những quyết sách do chính quyền đưa ra. Nguồn cơn của thái độ phản ứng của tài xế và rất đông dân chúng không nằm ở bộ máy chính quyền. Người dân phản ứng vì những bất cập, khuất tất do nhóm lợi ích gây ra khiến tài sản của người dân hao hụt, thuế, phí tăng khiến tiền lương thực tế ngày càng giảm trong khi nền kinh tế thì ngưng trệ. Nếu sự phản đối vì quyền lợi chung ấy bị đàn áp, có thể hiểu rằng đàn áp đó chính là sự phản ứng của nhóm lợi ích hay không? Nếu vì lợi ích bền lâu của người dân Việt, thì không cần một sự cổ xúy nào, người dân sẽ tiếp nhận mà không hề phản đối.

Từ ngày 30/11, một số tài xế khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy đưa 25.100 đồng và yêu cầu được nhận lại tiền thừa là 100 đồng. Đó là tiền dư của người mua hàng và người bán hàng có nghĩa vụ phải trả. Khi cảnh sát can thiệp, cáo buộc tài xế đang gây rối, thậm chí cưỡng chế cho cẩu xe khỏi trạm, thì đó là hành vi trái luật. Giả sử số tiền thừa trị giá 100.000 đồng, vậy người bán hàng liệu có nhận rõ trách nhiệm cần phải trả lại không? Không phải mệnh giá nhỏ mà tờ tiền không có ý nghĩa. Hãy nhân mệnh giá đó với tổng lưu lượng xe qua trạm trong một ngày, đó sẽ là số tiền không hề nhỏ.

Phép thử 100 đồng để yêu cầu minh bạch tiền phí là bài toán mà người dân đang đặt ra đối với những người có trách nhiệm liên quan. Giả sử nếu chính quyền chấp thuận di chuyển trạm thu phí về đúng vị trí tuyến tránh, chấp nhận một vụ kiện dân sự của chủ đầu tư (nếu có), truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân sai phạm thì cái được không chỉ là giải quyết một vụ bê bối mà là lòng dân. Nói rộng hơn, nếu để hàng ngàn tỷ mà người dân đang mất trắng vào các dự án BOT sai phạm lưu thông trong hệ thống tài chính quốc gia, thì điều được trước nhất là ngân khố từ tiền thuế của dân, thứ đến là uy tín của Chính phủ. Uy tín của Chính phủ có thể được gây dựng bằng niềm tin từ nhân dân, nhưng việc hủy hoại niềm tin lại nằm trong tay chính quyền.

100 đồng như phép thử để nhận diện ai đứng về phía đúng – sai. Người dân không phản đối hình thức đầu tư BOT. Điều người dân yêu cầu là trạm thu phí BOT cần được đặt trên đúng trên đoạn đường đầu tư.

Cầu cho quốc thái dân an hay xây dựng “một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động” (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), không đi đâu xa ngoài việc thiết lập lại trật tự dựa trên trách nhiệm cộng đồng, mà trong vụ việc BOT Cai Lậy, hiện chỉ người dân đang đơn phương thực hiện.

Lê Trai