Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định việc sử dụng axit benzoic, natri benzoat, axit sorbic hoặc kali sorbat trong tương ớt là theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam. 

tuong ot
Phụ gia axit benzoic có nên sử dụng trong sản phẩm tương ớt hay không – cần xét từ góc độ khoa học hay pháp lý? (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Sáng 12/4, Cục An toàn Thực phẩm có văn bản số 1186 trả lời văn bản số 36 của Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan về việc làm rõ quy định của Việt Nam cũng như Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex đối với việc sử dụng axit benzoic (INS 210) hoặc muối natri benzoat (INS 211) và acid sorbic (INS 200) hoặc muối kali sorbat (INS 202) trong thực phẩm nói chung, trong đó có sản phẩm tương ớt.

Theo Cục An toàn thực phẩm, các chất trên là chất bảo quản được phép sử dụng trong tương tớt theo quy định của Bộ Y tế (Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 và Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11/5/2015).

Theo quy định, hàm lượng tối đa cho phép đối với các phụ gia trên là 1.000 mg/kg sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm cho biết đây cũng là quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết sản phẩm tương ớt Chin-su của Công ty sử dụng chất bảo quản axit benzoic (INS 210) hoặc muối natri benzoat (INS 211) với hàm lượng không vượt quá 1.000 mg/kg sản phẩm (tính theo axit benzoic) và acid sorbic (INS 200) hoặc muối kali sorbat (INS 202) với hàm lượng không vượt quá 1.000 mg/kg sản phẩm (tính theo axit sorbic) “là phù hợp với quy định của Việt Nam và Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex và an toàn cho người sử dụng”.

Tại Nhật Bản, axit benzoic hay axit sorbic “chưa quy định trong tương ớt không có nghĩa là axit benzoic, axit sorbic là chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại Nhật Bản“, Cục An toàn thực phẩm khẳng định.

“Việc Nhật Bản không quy định axit benzoic, axit sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà Việt Nam lại cho dùng không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như ở Nhật Bản, vì Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm (trong đó có tương ớt) của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex” – Cục An toàn thực phẩm cho hay.

Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex – Codex Alimentarius Commission, CAC) là một tổ chức liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc do FAO và WHO đồng sáng lập từ năm 1963. 

Hiện nay, Ủy ban Codex có 189 thành viên, trong đó có các nước như Afghanistan, Argentina, Brazil, Campuchia, Canada, Cuba, Pháp, Đức, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ…

Nhật Bản trở thành thành viên CAC từ năm 1963. Việt Nam là thành viên CAC từ năm 1989.

Theo lý giải của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, về việc phụ gia axit benzoic bị cấm sử dụng trong tương ớt tại Nhật Bản, giải thích về mặt kỹ thuật là chất axit benzoic nếu sử dụng trong sản phẩm cũng chứa axit ascorbic (vitamin C) sẽ tạo ra benzene. Đây là hóa chất đã được cảnh báo gây bệnh ung thư. Ớt có hàm lượng vitamin C cao gấp 3 lần của cam tính trên cùng trọng lượng tương ứng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: