Sau 0 ca mới vào sáng 5/4, Bộ Y tế tiếp tục công bố không có ca bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới vào sáng 6/4. Trong 24h qua, Việt Nam mới công bố thêm một ca bệnh mới, là người từ Anh nhập cảnh vào Việt Nam, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

benh vien bach mai 31 3 24
Khu vực Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa từ rạng sáng ngày 28/3, hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất nước với nhiều ca thứ phát ngoài cộng đồng. (Ảnh: J.N)

Theo thời điểm công bố định kỳ, vào lúc 6h sáng 6/4, Bộ Y tế cho biết cả nước không ghi nhận ca bệnh mới, là sáng thứ 2 liên tiếp không ghi nhận ca bệnh sau 1 tháng liên tiếp ghi nhận thêm 224 bệnh nhân mắc COVID-19 kể từ ca nhiễm thứ 17 – ngày 6/3.

Tính đến sáng 6/4, Việt Nam công bố 241 ca bệnh COVID-19, gồm 150 người từ nước ngoài về (chiếm 62,2%), 91 người lây nhiễm thứ phát (37,7%) (trong đó 61 người từ các ổ dịch nội địa).

Tổng số ca điều trị bình phục là 91 người (chiếm 37,7%), trong đó 16 người tính từ ngày 23/1 đến 13/2 (giai đoạn 1), 75 người tính từ ngày 6/3 đến 5/4 (giai đoạn 2 và 3).

Tuy nhiên, trong 2 ổ dịch đã được xác định, gồm ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (44 ca nhiễm – chiếm 18,2%) và ổ dịch quán bar Buddha (18 ca nhiễm – chiếm 7,4%), các chuyên gia dịch tễ thừa nhận ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã mất dấu bệnh nhân F0 (ca nhiễm bệnh đầu tiên), và có ca F2 đã trở thành F0 (trở thành nguồn lây đối với nhiều ca nhiễm sau đó) (từ bệnh nhân 161, phát sinh thêm các ca nhiễm 162 (con dâu 1), ca nhiễm 163 (cháu gái), ca nhiễm 219 (con dâu 2); từ bệnh nhân 163 (cháu gái), phát sinh thêm ca nhiễm 209 (đồng nghiệp của BN163), ca nhiễm 227 (con trai của BN209))

Hiện Hà Nội và TP.HCM tiếp tục các biện pháp tăng cách ly/giãn cách xã hội (hạn chế hoạt động trong nội thành, đặt chốt kiểm soát người từ ngoại thành vào), xét nghiệm cộng đồng trên diện rộng, tìm các ca nghi nhiễm đưa đi xét nghiệm tái khẳng định… để khống chế các ổ dịch này.

Đáng chú ý, tại Hà Nội từ ngày 3/4 xác định thêm một tâm dịch mới, là bệnh nhân 237 – quốc tịch Thụy Điển, được phát hiện nhiễm bệnh tình cờ sau khi người này gặp tai nạn và được đưa đi cấp cứu, điều trị tại 4 bệnh viện. Đây là ca nhiễm có lịch sử dịch tễ phức tạp nhất tính đến hiện tại ở Việt Nam, khi nhập cảnh trước thời điểm bùng phát dịch (19/12/2019), đã di chuyển qua nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam trong 3,5 tháng trước khi xác định nhiễm bệnh vào ngày 3/4/2020.

Ngoài ra, thêm 2 ca nhiễm khác đang được cơ quan y tế khoanh vùng, tìm kiếm khẩn cấp người tiếp xúc do có lịch sử dịch tễ khá phức tạp, là bệnh nhân 148 – cựu đại sứ quán Pháp và bệnh nhân 183 (nữ, quốc tịch Việt Nam) là phóng viên phỏng vấn cựu đại sứ quán Pháp này trước đó. Tối ngày 5/4, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn số 11 về lịch trình di chuyển của bệnh nhân 183.

Hiện Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế… để phòng tránh lây lan virus Vũ Hán (nCoV).

Nguyễn Quân