Các đại diện của Bộ Y tế, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia… khẳng định, theo quy định, mỗi người tham gia giao thông dùng một ống thổi riêng dùng 1 lần để kiểm tra nồng độ cồn.

ống thổi nồng độ cồn
Theo quy định, mỗi người dùng riêng một ống thổi dùng 1 lần để kiểm tra nồng độ cồn, để tránh lây nhiễm bệnh. (Ảnh minh họa: General photographer/Shutterstock)

Tại cuộc họp báo của Bộ Y tế chiều 31/1 về cung cấp thông tin dịch bệnh corona (nCoV), trước nghi ngại về nguy cơ lây bệnh khi thổi nồng độ cồn, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết theo quy định, mỗi người sẽ dùng riêng 1 ống thổi nồng độ cồn và ngành công an cần làm đúng theo quy định đó, vì việc dùng ống thổi một lần phòng chống nhiều dịch bệnh lây nhiễm khác, chứ không phải chỉ phòng nCoV.

Trước đó, tại cuộc họp của Chính phủ chiều 30/1, trả lời câu hỏi về tính an toàn của việc thổi kiểm tra nồng độ cồn, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định các chuyên gia của WHO bác bỏ lo ngại thổi nồng độ cồn gây lây lan dịch bệnh.

Lý do được đưa ra là máy kiểm tra nồng độ cồn sử dụng ống thổi có van 1 chiều, chỉ có thể thổi hơi vào máy mà không thể hít ngược lại khí (nếu có) từ máy. Ngoài ra, mỗi người được kiểm tra nồng độ cồn đều được sử dụng một ống thổi riêng biệt, dùng một lần nên không có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình kiểm tra.

Theo ông Hùng, vấn đề không phải là người được yêu cầu thổi, mà là nguy cơ lây nhiễm đối với lực lượng cán bộ, cảnh sát giao thông. Để tránh lây nhiễm đối với người làm nhiệm vụ, tất cả các máy kiểm tra nồng độ cồn đều được sát trùng, sát khuẩn trước và sau mỗi ngày sử dụng.

Ông Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi thiết kế loại ống thổi, nhà sản xuất đã tính toán để hạn chế lây nhiễm và chỉ dùng 1 lần; thổi chung máy không sao nhưng ống không dùng chung.

Việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đang được triển khai trên toàn quốc theo Nghị định 100/2019, bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Mức xử phạt cao (800.000 đồng người vi phạm đi xe đạp; 8 triệu đồng đối với người đi xe máy; 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với tài xế ôtô) bước đầu giúp giảm số ca nhập viện do tai nạn giao thông do bia rượu.

Tuy nhiên, sau khi dịch viêm phổi do nCoV khởi phát tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), được báo cáo lần đầu ngày 31/12/2019, đến sáng 2/2/2020, có hơn 14.000 người mắc bệnh, 304 người tử vong, nhiều người nghi ngại về khả năng lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp, trong đó có việc thổi đo nồng độ cồn.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: