Sau 6 tháng kể từ kỳ họp thứ tư của Quốc hội (12/2017), mới đây cổng thông tin Quốc hội công bố văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Y tế đối với các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).  

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về các biện pháp nhằm ngăn chặn nhóm lợi ích trong hệ thống cơ quan truyền thông, các giải pháp bảo vệ người làm báo chân chính, cũng như trách nhiệm của Bộ trong việc cấp phép, quản lý hoạt động của các báo điện tử.

Bà Hiền đặt vấn đề: “Một số thông tin không thuộc bí mật nhà nước nhưng báo chí rất khó khăn khi tiếp cận. Có hiện tượng nhắn tin, gọi điện can thiệp để gỡ bài dù bài viết đó phản ánh tiêu cực không sai; rồi phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp”.

Từ đó, ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu thắc mắc: “Những hiện tượng nêu trên có được xem là xuất hiện nhóm lợi ích trong chính hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông hay không, nơi cũng có chức năng đấu tranh với tiêu cực xã hội, lợi ích nhóm?”, đồng thời mong Bộ trưởng đưa ra các biện pháp để ngăn chặn vấn đề này.

pham thi minh hien tinh phu yen
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn tỉnh Phú Yên. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, đại biểu Hiền cũng đặt câu hỏi: Bộ trưởng và Bộ Thông tin Truyền thông đã có những động thái nào để bảo vệ người làm báo chân chính, các cơ quan báo chí do Bộ quản lý , cũng như Bộ đã tham mưu gì cho Chính phủ xử lý các cơ quan, đơn vị vi phạm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin?.

Ngoài ra, nữ đại biểu tỉnh Phú Yên cũng nêu vấn đề trách nhiệm của Bộ trong việc cấp phép tràn lan và xử lý sai phạm trong cấp phép đến đâu, khi Bộ TT&TT là cơ quan cấp phép, quản lý, song cũng chính Bộ trưởng đã nhận định bên cạnh việc thực hiện rất tốt chức năng của mình thì các cơ quan báo chí cũng sai phạm rất nhiều.

Trong văn bản trả lời đại biểu, về tình trạng “can thiệp để gỡ bài dù bài viết phản ánh tiêu cực không sai”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn Khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí, quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyển có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, và Điểm a Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí: “Thông tin trung thực vê tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”.

Bộ trưởng Tuấn cũng nhận định Bộ thường xuyên theo sát báo chí khi khẳng định Bộ luôn phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá hoạt động thông tin báo chí định kỳ vào thứ Ba hằng tuần.

Chính vì vậy, Bộ TT&TT nhận thấy, những hiện tượng như: Khó khăn trong tiếp cận nguồn tin, có tin nhắn, gọi điện gỡ bài… chưa phải là dấu hiệu để khẳng định lợi ích nhóm. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ lưu ý theo dõi hiện tượng trên và có giải pháp quản lý chặt chẽ“- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu quan điểm.

bo truong bo thong tin truyen thong
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn sáng 17/11/2017.

Về chất vấn giải pháp nào của Bộ để xử lý những vụ cản trở nhà báo tác nghiệp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay việc tác nghiệp của nhà báo được bảo vệ bởi Luật Báo chí 2016. Về phía đơn vị, Bộ thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc xử lý những vụ việc cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật.

Đối với việc cấp phép các cơ quan báo chím báo điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định Bộ thực hiện theo đúng quy định Luật Báo chí năm 2016, định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bộ trưởng nhận định “một số cơ quan báo chí có thế biên tập không kỹ, thiểu kiêm chứng thông tin dẫn đến sai phạm, bị xử lý“, nhưng về tổng thể, các cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng của mình và được Bộ TTTT thường xuyên “định hướng, nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động“…

dbqhnguyen tao tinh lam dong
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo – Đoàn tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: quochoi.vn)

Đối với Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ĐBQH Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi chất vấn về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vụ thuốc ung thư giả của Công ty VN Pharma; vụ buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư tại Hà Nội…

Ông Tạo chất vấn: “Trong vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma, việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ bằng hàng loạt giấy tờ giả… là xuất phát từ việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc thẩm định, cấp phép hồ sơ nhập khẩu; không những vậy, ông Đỗ Văn Đông, Cục Phó Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita – tham gia thành viên Hội đồng giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép.”

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc nêu trên? Bộ Y tế đã xử lý như thế nào đối với những cá nhân có liên quan?

Vấn đề cử tri băn khoăn liệu số thuốc giả, hoặc kém chất lượng đã đưa ra thị trường để chữa bệnh người bị ung thư theo kê toa của bác sỹ chưa? Hậu quả của bệnh nhân khi sử dụng thuốc này?

Bộ đã đề ra những giải pháp gì để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả?”, ĐBQH của tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi đối với người đứng đầu Bộ Y tế.

bo truong bo y te 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến trả lời chất vấn Quốc hội, ngày 14/6/2017.

Theo nội dung văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến khẳng định Bộ đã “kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường“; toàn bộ hồ sơ, thông tin được chuyển cho cơ quan chức năng điều tra.

Trước chất vấn về việc “ông Đỗ Văn Đông, Cục Phó Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita – tham gia thành viên Hội đồng giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép“, Bộ trưởng Tiến khẳng định thông tin “người của đơn vị cấp phép tham gia Hội đồng giám định lô thuốc do chính mình cấp phép” là không chính xác.

Bộ trưởng cho hay việc thành lập Hội đồng giám định tư pháp dựa trên cơ sở Quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra đối với Bộ Y tế. Đại diện của Cục quản lý Dược không tham gia vào việc đánh giá chất lượng lô thuốc, chỉ tham gia với vai trò giám sát. Việc đánh giá chất lượng lô thuốc là do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện…

Về giải pháp để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ trưởng cho biết các quy định về quản lý đã được Bộ đưa ra trong Luật Dược 2016 và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Bộ đã bổ sung một số quy định và đang nghiên cứu bổ sung quy định liên hệ với cơ quan quản lý dược của nước có thuốc xuất khẩu vào Việt Nam trước khi cấp phép lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, văn bản trả lời không đề cập đến trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc về thuốc chữa bệnh giả, trong đó có vụ VN Pharma theo nội dung chất vấn của ĐBQH.

Nguyễn Quân

Xem thêm: