Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước có 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong –  tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2016. TP. Hà Nội với hơn 17.000 ca mắc, trong đó có 7 ca tử vong – đứng thứ 2 cả nước về dịch bệnh. Trước diễn biến bất thường của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế cùng với Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành họp khẩn đưa ra biện pháp phòng, chống dịch.

sot xuat huyet
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Chiều ngày 17/8, Bộ Y tế có buổi họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội bàn biện pháp ứng phó với dịch sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp tại Hà Nội.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 76.846 bệnh nhân. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tăng 67,8%, số ca tử vong tăng 7 trường hợp.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tính đến ngày 16/8/2017, số ca mắc sốt xuất huyết lên đến 17.365 ca, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Nếu tính theo số ca mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước sau TP.HCM; tính số ca mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số ca mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là 2.588 người.

Trong các quận/huyện tại Hà Nội, 12 quận/huyện có dịch sốt xuất huyết ở mức báo động đỏ gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Tiếp theo là các quận: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.

Ông Hạnh cũng cho hay đến nay Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô (22 tỉnh cho mượn 22 máy), 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết. Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Các quận, huyện cũng đã thành lập trên 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người; hơn 4.600 tổ giám sát.

Trước tình hình dịch diễn biến bất thường, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp cùng các cơ sở y tế thực hiện việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên khu vực thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội nên lập bản đồ để việc phun thuốc diệt muỗi đảm bảo đầy đủ và thuận tiện cho việc kiểm tra, rà soát, phun lần sau.

Trước đó, ngày 28/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có buổi họp với UBND TP. Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong khu vực thành phố. Tại buổi làm việc, UBND TP. Hà Nội cho biết so sánh với số liệu những năm trước có thể thấy những năm trước số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên, năm 2017, dịch có diễn biến bất thường: đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia. Hiện thế giới có 128 quốc gia có người mắc bệnh, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng có nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân là 56,7%. Bệnh chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá …
  3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  5. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; Không tự ý điều trị tại nhà.

Hoàng Minh

Xem thêm: