Chiều 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có hai điểm nổi bật là việc bỏ chế độ “viên chức suốt đời” và “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” đối với cán bộ đã về hưu.

tổng thư ký quốc hội chủ nhiệm văn phòng quốc hội nguyễn hạnh phúc 1 copy
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 25/11, với 426/454 đại biểu Quốc hội tán thành (88,2%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Dự luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Một điểm đáng lưu ý trong Luật sửa đổi là việc bỏ chế độ viên chức suốt đời, áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày luật này có hiệu lực, trừ những người làm việc ở vùng có điều kiện khó khăn. 

Theo đó, viên chức sẽ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn – là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiếp tục ký kết hợp đồng làm việc với viên chức.

Trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc đối với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. 

Ngoài ra, Luật sửa đổi đã chính thức quy định việc xử lý kỷ luật với cán bộ công chức đã nghỉ hưu theo hướng: “Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bổ sung vào Luật quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Tuấn Minh

Xem thêm: