Phân luồng giao thông, che chắn công trình xây dựng, phun nước rửa đường,… là những biện pháp cấp bách được Bộ TN&MT yêu cầu triển khai ở các đô thị lớn.

rét đậm rét hại, ô nhiễm không khí hà nội
Dòng người di chuyển trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Claudine Van Massenhove/Shutterstock)

Chiều ngày 19/12, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm ra các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND TP. Hà Nội và TP.HCM.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Hà cho biết theo số liệu thống kê, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng, có thời điểm vượt quy chuẩn từ 3 – 4 lần.

Nguyên nhân của ô nhiễm không khí, theo Bộ trưởng là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông. Ở Hà Nội, số liệu cho biết, năm 2017, lượng phương tiện tăng 5,3%; năm 2018 tăng 4,2% và năm 2018 là 15%. Trong đó, lượng xe máy đang lưu hành là 5,8 triệu phương tiện còn ô tô khoảng 1,5 triệu phương tiện.

Đối với TP.HCM, lượng xe máy đang lưu hành cũng rất lớn, khoảng 7,5 triệu phương tiện và 700 nghìn xe ô tô. Đó là còn chưa kể đến phần dân số tăng tự do và lượng phương tiện lưu thông qua 2 thành phố này.

Bên cạnh đó, Hà Nội và TP.HCM đang trở thành một “đại công trường”, mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Hơn nữa, tại 2 thành phố có số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh.

Theo Bộ trưởng Hà, riêng ở Hà Nội, tác nhân gây ô nhiễm không khí còn xuất phát thêm từ việc người dân đốt rơm, rạ và 60.000 bếp than tổ ong được người dân sử dụng. Thậm chí nhiều nơi ở ngoại thành, chất thải sinh hoạt cũng bị đốt hoặc không may bị cháy gây ô nhiễm nghiêm trọng.

>> Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rửa đường để giảm ô nhiễm không khí

Từ đó, Bộ trưởng đưa ra 4 giải pháp cấp bách:

Thứ nhất, ông Hà cho rằng chính quyền Hà Nội và TP. HCM có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để duy trì, phát triển hệ thống quan trắc tự động về chất lượng không khí, cung cấp hàng ngày, mỗi ngày 2 lần cho người dân.

Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải cung cấp và khuyến cáo người dân với những biện pháp mà Bộ y tế đưa ra.

Chẳng hạn, ngày đó đề nghị người dân nên chủ động để xem xét công việc, đặc biệt là trẻ em đi học, cần thiết thì để các cháu trong nhà để đảm bảo. Khi ra đường thì sử dụng khẩu trang đảm bảo” – ông Hà nói.

Thứ hai, các thành phố cần có kế hoạch phun nước rửa đường, điều tiết các luồng giao thông ở khu vực đông dân cư có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng; với những xe đi vào Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe,…

Thứ ba, ngay sau cuộc họp, Bộ Tài nguyên sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra quy định về bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng. Theo đó, dù công trình lớn hay nhỏ, công sở hay của người dân đều sẽ có hướng dẫn cụ thể “vật liệu để đâu, chất thải xử lý thế nào, che chắn công trình ra sao”.

Thứ tư, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh xung quanh Hà Nội có biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời, cần khuyến cáo người dân chuyển sang dùng bếp khác thay vì bếp than tổ ong.

Về biện pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ cần hoàn thiện cơ chế chính sách và các luật môi trường liên quan. Đối với Hà Nội, TP.HCM lộ trình áp dụng quy chuẩn đô thị khí thải phương tiện giao thông phải nhanh hơn cả nước. Xe máy và ô tô ở hai thành phố này phải có quy chuẩn cao hơn nhiều so với quy chuẩn của các địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng cũng cho biết Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong.

Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp để sớm có đủ năng lực đánh giá tình trạng môi trường, có giải pháp mạnh mẽ để xử lý ô nhiễm không khí.

Minh Long