Theo báo cáo của Chính phủ, các cơ quan Trung ương có tới 337 Cục trưởng, riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng cùng với 423 Cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng; số lượng cấp trưởng phòng, phó phòng và tương đương lên tới hơn 9.100 người.

botaichinh
Bộ Tài chính có 7 Cục trưởng hay 181 Cục trưởng. (Ảnh: coninco.com.vn)

Chiều ngày 1/12, Bộ Tài chính phát đi thông cáo báo chí giải thích về thông tin được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng về cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính có tới 181 cục trưởng.

Bộ Tài chính cho hay theo Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính: “Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính – ngân sách (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể, tài sản công theo quy định của pháp luật); Hải quan; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Giá; Chứng khoán; Bảo hiểm; Hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vị quản lý nhà nước của Bộ; Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Với quy mô và lĩnh vực quản lý rộng lớn nêu trên, cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính gồm 20 Vụ, Cục chuyên môn và một số đơn vị sự nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính có 7 Cục trưởng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có 5 Tổng cục và tương đương trực thuộc, gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong 5 Tổng cục và tương đương nêu trên có 4 Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện theo địa giới hành chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế), theo khu vực (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước). Tổng số có 183 Cục tại các địa phương gồm: 63 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố; 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố; 35 Cục Hải quan khu vực; 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Do đó, theo Bộ Tài chính, để quản lý và điều hành hoạt động của một đơn vị đầu mối trên cần phải bổ nhiệm 1 cấp trưởng đơn vị.

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2016, số lượng cục trưởng tại các cục lên tới 337 người, riêng Bộ Tài chính có nhiều Cục trưởng nhất với 181 Cục trưởng, Bộ KH&ĐT: 63; Bộ Tư pháp: 57.

Bộ Tài chính còn có 423 Cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng. Số lượng trưởng phòng, phó phòng và tương đương ở Bộ Tài chính lên tới hơn 9.100 biên chế.

Tổ chức bộ máy: Càng tinh giản – Càng phình to

Theo báo cáo của Chính Phủ, trong giai đoạn 2011-2016, số lượng Thứ trưởng tính đến ngày 22/12/2016 có 106 người, bộ nhiều nhất có tới 7 Thứ trưởng.

Tính đến ngày 31/12/2016, số lượng Phó cục trưởng tại các cơ quan trung ương lên tới 767 người. Một số cơ quan có số lượng cấp phó vượt so với quy định như: Bộ GTVT có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trưởng (4 phó).

Cũng theo thống kê, các cơ quan trung ương có 218 Vụ trưởng, 593 Phó vụ trưởng; 1.200 Giám đốc Sở và tương đương; 4.600 Trưởng phòng và tương đương.

Năm 2016, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện gần 270 nghìn người. Trong đó có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế công chức là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Long An.

Số cán bộ hưởng lương từ ngân sách gần 1,3 triệu người; trong đó, cán bộ, công chức cấp xã hơn 234 nghìn người.

Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố chiếm hơn 32.400 tỷ đồng mỗi năm.

Hải Linh

Xem thêm: