Ngày 21/2, Bộ Quốc phòng đã ký kết biên bản tạm bàn giao 19,79ha sân đỗ quân sự cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất
(Ảnh minh họa)

Đây là phương án do Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra và được lựa chọn để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

Khu vực 20ha thuộc đất của Bộ Quốc phòng hiện đang làm sân đỗ cho các tàu bay quân sự. Do sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không dân dụng, diện tích đất quân sự này sẽ được bàn giao để mở rộng sân bay.

Theo phân tích, do sử dụng quỹ đất của quân đội nên chi phí đầu tư cho phương án chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng với thời gian xây dựng không quá 3 năm, công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.

Sân bay sẽ xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng và sân đỗ; cải tạo đường băng phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm; xây nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Diện tích mở rộng này dự kiến cũng sẽ bổ sung thêm 30-35 vị trí đậu máy bay, giảm tải nghẽn mặt đất cho sân bay Tân Sơn Nhất trong vài năm tới. 

Theo ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau khi nhận 20ha đất quân sự, ngành hàng không sẽ xây dựng nhà ga T3, T4, chậm nhất trước năm 2018 sẽ đưa toàn bộ dự án xây dựng nhà ga T4 vào khai thác.

Về nguồn vốn đầu tư, hạng mục đường lăn, sân đỗ sử dụng vốn nhà nước, do doanh nghiệp nhà nước thực hiện; các hạng mục nhà ga hành khách, khu dịch vụ… sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa; các tuyến giao thông kết nối với bên ngoài thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của UBND TP.HCM.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận phần đất này và lập quy hoạch cùng Cục Hàng không Việt Nam, sau đó bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam quản lý. Dự kiến, Cảng vụ hàng không sẽ giao cho các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ… có nhu cầu sử dụng.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện Chính phủ đang giao Bộ GTVT nghiên cứu một số đề án có nội dung điều chỉnh lại quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất với yêu cầu các đường giao thông tiếp cận, hệ thống nhà ga, khu bay,… phải được kết nối đồng bộ.

Theo đó, đơn vị tư vấn đã tính toán nhiều phương án cho đề án trên, trong đó có cả phương án thu hồi khu đất quân sự phía Bắc sân bay, và trong khu đất này có sân golf 127ha.

Tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất cả ở mặt đất và “trên bầu trời” ngày càng căng thẳng.

Năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 181 ngàn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách hơn 26,5 triệu lượt. Năm 2016, sân bay phục vụ hơn 32 triệu lượt khách. Trước áp lực do tình trạng quá tải, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng công suất hệ thống nhà ga từ 25 triệu hành khách/năm lên 40-50 triệu hành khách/năm.

Để giảm áp lực quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, dự án để xem xét và thực hiện.

Theo một số hãng hàng không trong nước, sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng căng thẳng về bãi đỗ. Sân bay hiện có 57 chỗ đậu máy bay phục vụ các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng máy bay các hãng hàng không Việt Nam đậu qua đêm thường cao hơn số lượng được sân bay điều phối.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc tắc nghẽn dây chuyền tại sân bay Tân Sơn Nhất là do dưới mặt đất thiếu sân đỗ, đường lăn để cất hạ cánh nên máy bay không thể hạ cánh theo lịch trình, phải bay lòng vòng trên bầu trời.

Kiến Huy

Xem thêm: