Các trạm BOT được Bộ GTVT nêu ra gồm: Trạm BOT Bỉm Sơn, Trạm BOT trên Quốc lộ 3, Trạm BOT T2, Trạm BOT La Sơn – Túy Loan.

tram thu phi bot thai nguyen cho moi
Trạm thu phí tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới. (Ảnh: thainguyentv.vn)

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập, vướng mắc về vị trí trạm BOT; đặc biệt là các trạm bị người dân phản đối quyết liệt vì đầu tư một nơi, nhưng đặt trạm thu phí một nẻo.

Bộ này cho biết hiện 15/19 trạm đã ổn định; 4 trạm bất cập còn lại do “tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc”. Cụ thể:

Với Trạm BOT Bỉm Sơn thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa (chiều dài 6km), Bộ cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm về tuyến tránh phía Tây để thu phí hoàn vốn.

Tuy nhiên, hiện tại có 3 tuyến song hành (gồm Quốc lộ 1 qua TP. Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm. Do đó, việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án.

Do đó, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án tuyến đường vành đai phía Tây có tổng kinh phí đầu tư 1.014 tỉ đồng, mới hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018. Tuyến đường tránh phía Tây được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành tuyến vành đai hoàn chỉnh, chia sẻ lưu lượng xe cho QL1A đoạn qua trung tâm TP. Thanh Hóa và QL1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa.

Trạm thu phí tại thị xã Bỉm Sơn đặt cách tuyến đường khoảng 40km, để hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoàn vốn là 13 năm 8 tháng.

Trạm này bị phản đối vì theo nhiều doanh nghiệp hoạt động vận tải ở Thanh Hóa và khu vực tỉnh Ninh Bình, phương tiện của họ hầu như không đi qua tuyến đường, thậm chí không vào tới TP. Thanh Hóa nhưng khi qua trạm vẫn phải mất phí oan là vô lý.

Về Trạm BOT trên Quốc lộ 3 dùng thu phí hoàn vốn cho Dự án xây dựng đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100, Bộ đã thống nhất phương án giảm giá tại trạm nhưng vẫn gặp sự phản đối của người dân.

Trường hợp quá khó khăn, Bộ sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên Quốc lộ 3.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65 km. Trong đó, hợp phần quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới dài 40 km; tuyến quốc lộ 3 nâng cấp, mở rộng dài 25 km (Km75-Km100) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất cho nhà đầu tư đặt một trạm thu phí tại km 72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới và một trạm thu phí tại km 77+922 trên quốc lộ 3.

Người dân đã phản đối việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 3 vì cho rằng chỉ nâng cấp đường mà thu phí bằng đường xây mới là vô lý; các phương tiện đi Tuyên Quang theo hướng quốc lộ 37 không đi vào đường BOT nhưng vẫn phải trả phí,..

Tháng 6/2017, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận việc ghép dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 với dự án đường xây dựng mới Thái Nguyên – Chợ Mới và đặt trạm thu phí ở hai nơi là không hợp lý.

Với Trạm BOT T2 dùng thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B, Bộ đã thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư Quốc lộ 91B, giao UBND thành phố Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự án tạm tính sau quyết toán là hơn 1.650 tỷ đồng, gồm hai hợp phần:

  • Hợp phần 1: Cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 – Km50+889 dài gần 30 km.
  • Hợp phần 2: Mở rộng và tăng cường nền, mặt đường QL91B đoạn từ Km0 – Km15+793 với chiều dài gần 16 km.

Trạm thu phí T2 được đặt tại quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), vận hành để hoàn vốn đầu tư cho Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91, theo hình thức BOT.

Trạm BOT T2 từng bị người dân phản đối vì đặt sai vị trí.

Với Trạm thu phí La Sơn – Túy Loan thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước để hỗ trợ.

Quan điểm của Bộ Giao thông, Bộ Tư pháp thì cơ chế thu phí trạm La Sơn – Túy Loan không chịu tác động của luật quản lý, sử dụng tài sản công, nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Dự án được chính thức được khởi công từ tháng 11/2012 và hoàn thành vào 21/8/2017. Dự án có tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 11.378 tỷ đồng với tổng chiều dài toàn tuyến 13,19 km. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m (đã hoàn thành từ tháng 9/2016).

Trước đó năm 2018, trả lời ĐBQH Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) liên quan đến dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, Bộ GTVT cho biết trạm La Sơn – Túy Loan (thuộc dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan đầu tư theo hình thức BT) đang ở tình trạng “đầu tư một nơi, thu phí một nơi”, rất dễ gây phản ứng của người tham gia giao thông.

Vì thế, Bộ GTVT kiến nghị phương án không sử dụng trạm La Sơn-Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, đồng thời Bộ cũng kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ Dự án.

Trên cơ sở tính toán phương án tài chính, Bộ GTVT đã có văn bản số 10167 ngày 11/9/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ 2 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên phương án thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan theo hợp đồng dự án đã ký.

Phương án 2: Trường hợp không cho phép Chủ đầu tư thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan, cần bổ sung khoảng 3.200 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho Dự án.

Kim Long