Sau những phản hồi và lo ngại của phụ huynh học sinh liên quan đến cuộc thi Chinh phục vũ môn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tạm dừng tổ chức cuộc thi.

chinh phuc vu mon
(Nguồn: cpvm.vn)

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa yêu cầu các đơn vị chức năng làm việc với Trung ương Đoàn TNCS HCM đề nghị tạm dừng cuộc thi Chinh phục vũ môn.

Cuộc thi do Trung ương Đoàn khởi xướng và chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015 đến nay, có nội dung tổng hợp kiến thức dành cho học sinh THCS với hình thức thi trực tuyến.

Theo Bộ Giáo dục, Chinh phục vũ môn có một số bất cập như thành phần tham gia thi chưa phù hợp; công tác tổ chức điều hành cuộc thi chưa tốt, do đó, gây ra sự lo ngại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của học sinh.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát lại các vấn đề liên quan đến cuộc thi, những cuộc thi tương tự đang diễn ra hoặc dự kiến tổ chức cũng được yêu cầu rà soát lại, nếu không thiết thực, hiệu quả thì phải cho ngừng.

Bộ trưởng cho hay, chủ trương của Bộ là không tổ chức hay ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội. Bộ khuyến khích học sinh năng động, tìm tòi học tập qua nhiều kênh, trong đó có học tập trực tuyến, nhưng đó là những kênh học tập lành mạnh và hiệu quả, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

chinh-phuc-vu-mon-2
Một câu hỏi trong cuộc thi So tài kiến thức của Chinh phục vũ môn. (Ảnh: FB)

Chương trình “Chinh phục vũ môn” do Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup phát triển. Tháng 10/2015, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5551/BGDĐT-CTHSSV gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức cuộc thi này cho học sinh THCS.

Theo Fan Page của “Chinh phục vũ môn”, đến với trò chơi này, các em học sinh và phụ huynh không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào mà vẫn có thể tham gia chơi và thi. Ngoài việc là một sân chơi trí tuệ, một cuộc thi kiến thức bổ ích, Chinh phục vũ môn còn được xây dựng như một trường học trực tuyến với nhiều môn học và bài giảng lý thú.

Để tham gia các lớp học này, các bạn học sinh và phụ huynh chỉ phải đóng một khoản phí rất nhỏ. Tất cả các khoản phí để tham gia lớp học hay nâp cấp trang bị trong trò chơi đều rất nhỏ và hoàn toàn không bắt buộc.

Học sinh tham gia chương trình sẽ trả lời các câu hỏi trắc nghiệm với hệ thống câu hỏi được xây dựng riêng cho từng khối lớp, 100% miễn phí cho học sinh. Cuộc thi năm nay mở rộng đối tượng từ lớp 3 đến lớp 9.

Trước đó, ngày 8/12, anh Trần Trọng An, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT qua mạng xã hội Facebook, bày tỏ sự lo lắng về cuộc thi trực tuyến Chinh phục vũ môn đang được tổ chức cho học sinh tham gia.

Anh An viết:

“…Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game “Chinh phục vũ môn” trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web.

Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tuy nhiên, hiện game lại len lỏi vào các trường tiểu học. Từ đó đến nay, game “Chinh phục vũ môn” của Egame tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800 nghìn người chơi. Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ tương ứng với số lần chơi hoặc “mua đồ trong game” nhất định.

Tôi cũng thấy có thông tin, một trong những người từng đầu tư vào công ty game này đã bị bắt vì hành vi kinh doanh trái phép có liên quan tới dự án “mắc ca tỷ đô”, hoclamgiau… Với lịch sử công ty game và hoạt động như vậy, liệu ai có thể bảo đảm cho tôi và các phụ huynh khác là toàn bộ “trí tuệ” trong game này là sạch và an toàn cho trẻ em hay không?

Tôi nghĩ rằng, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị “cài đặt” game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.

Tôi cũng nghĩ rằng, là cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online.

…Nếu game online này thực sự an toàn cho thể lực và trí lực cho trẻ em, cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo cho các cục chức năng làm rõ, công bố cho phụ huynh chúng tôi được biết…

Ngay sau khi được đăng tải, bức thư đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng về kết quả học tập và tình trạng sức khỏe của con em mình liên quan đến việc tham gia chương trình này.

Hải Linh

Xem thêm: