Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho biết cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do hàng loạt dự án điện lớn trên toàn quốc chậm tiến độ trong khi nhu cầu điện vẫn tăng cao.

gia dien
(Ảnh: Shutterstock)

Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, do nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung tuần qua khiến công suất tiêu thụ đầu nguồn toàn quốc đã đạt tới 38.147 MW vào khoảng 14h ngày 21/6.

Đây là mức công suất cao kỷ lục từ trước tới nay. Sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc của ngày 21/6 cũng ghi nhận số liệu cao kỷ lục ở mức 782,9 triệu kWh. Sang ngày 22/6, công suất tiêu thụ toàn quốc giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao là 37.500 MW.

Để đảm bảo cung cấp điện những ngày qua, EVN đã phải huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh. Ngày 21/6, EVN phải huy động nhiều tổ máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống với tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW.

Trên thực tế, tình hình cung ứng điện đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, khả năng thiếu điện ngày càng hiện rõ. Hàng năm, nhu cầu điện vẫn tăng cao khoảng 10%/năm trong khi nguồn điện mới đưa vào còn chậm và nguồn dự phòng thì đang dần cạn kiệt.

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ.

Đáng chú ý, các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu 1 do PVN triển khai đến nay đã chậm tiến độ 2 năm. Hàng chục dự án điện BOT khác cũng đang chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc chậm tiến độ và đội vốn là do các chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện chạy than không có năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm; đồng thời do buông lỏng quản lý.

Theo Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

Bộ Công Thương cho biết trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Bộ Công Thương cũng dự báo, trong giai đoạn 2021 đến 2025, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, việc mở cửa thị trường để thu hút đầu tư, phá bỏ độc quyền được cho là biện pháp hữu hiệu nhất. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức về việc thực hành tiết kiệm điện.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: