Ngày 5/4, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước vừa có phản ánh về việc có quá nhiều trạm thu phí khiến các doanh nghiệp tỉnh này phải chịu chi phí quá lớn.

dt741
(Ảnh: baobinhphuoc.com.vn)

Theo đơn phản ánh của Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước, Bình Phước là một tỉnh nghèo, nhưng hiện nay lại có nhiều trạm thu phí (BOT) nhất cả nước, với mật độ dày đặc trên hai tuyến đường Quốc Lộ 13 và đường Tỉnh lộ 741.

Ông Võ Quang Thuận – chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh lộ 741 là tuyến đường huyết mạch của Bình Phước, là cửa ngõ lưu thông hàng hòa từ Bình Phước đi TP HCM và ngược lại, chỉ dài khoảng 150km nhưng có đến 6 trạm BOT.

“Chỉ tính riêng trên đường Tỉnh lộ 741 từ thị xã Phước Long đến Sài Gòn có chiều dài khoảng 150km; nhưng có tới 6 trạm thu phí là: Phước Long – Bù Nho, Bù Nho – Đồng Xoài (hai trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46 km), Đồng Xoài – Tân Lập 29km, Tân Lập – Bố Lá 30km, Bố Lá – Suối Giữa 58km và Suối Giữa – Lái Thiêu cách nhau 17,2km.”

Như vậy, trung bình cứ khoảng 25km – 30km lại có một trạm BOT.

“Doanh nghiệp đã phải trả phí trên nhiều tuyến đường nhưng chất lượng đường thì không được nâng cấp, thậm chí còn hỏng hóc trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà…”, ông Thuận cho biết.

Theo quy định về đặt trạm thu phí thì khoảng cách giữa các trạm là 70km. Vì thế, tại sao UBND tỉnh Bình Phước và Bộ GTVT chưa có động thái xử lý là một câu hỏi cần được cấp bách trả lời.

Hơn nữa, tỉnh lộ 741 không phải là ường mới để địa phương và nhà đầu tư phải khai phá, mở đường. Địa phương cũng không thể vì lý do từng giai đoạn đầu tư mà đổ gánh nặng lên đầu người dân và doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước cũng đã đưa ra tính toán để chứng minh cho gánh nặng chi phí cũng như sự phi lý mà doanh nghiệp đang phải chịu đựng.

Đó là, một sản phẩm tại Bình Phước làm ra thì doanh nghiệp phải chịu 24 lần phí BOT (12 lần cho lấy nguyên liệu và 12 lần cho vận chuyển hàng hóa ra khỏi Bình Phước).

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí vận tải, cộng thêm chi phí qua trạm BOT ngang với chi phí xăng dầu, đó là những khoản thu bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, chi phí quá đắt đỏ sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giết chết sức cạnh tranh của doanh nghiệp, gây bất lợi cho phát triển kinh tế của Bình Phước bởi doanh nghiệp không dám đầu tư.

Do đó, các cơ quan nhà nước cần phải vào cuộc giám sát, kiểm tra lại xem mức đầu tư tại 6 trạm BOT trên tỉnh lộ có đúng luật và hợp lý hay không, GS. Đào nhấn mạnh.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: