Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng (ngân sách hơn 34 tỷ và huy động nguồn xã hội hóa 52 tỷ) để tạc bức phù điêu Lạc Long Quân – Âu Cơ trên vách núi Bà Hỏa, vị trí giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo với Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn về trung tâm TP Quy Nhơn.

viewimage
Phối cảnh phù điêu Lạc Long Quân – Âu Cơ dự định khắc trên núi ở Bình Định (Ảnh: Facebook Bình Định Thông Tin)

Ngày 12/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết địa phương đã thống nhất với đơn vị tư vấn về phác thảo bức phù điêu với chủ đề Lạc Long Quân – Âu Cơ và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc.

Tác phẩm phù điêu này sẽ được khắc họa theo 3 lớp. Lớp thứ nhất là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt.

Lớp thứ 2 thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương, tay chắp ngang ngực. Lớp thứ 3 thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ.

Bức phù điêu này sẽ được tạc trên vách núi Bà Hỏa, vị trí giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo với Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn về trung tâm TP Quy Nhơn.

Bức phù điêu có đường cong dài 80m, vị trí cao nhất đến 36m, cùng hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng hơn 2.500m2, dự kiến năm 2022 hoàn thành. Chi phí dự kiến vào khoảng 86 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách hơn 34 tỷ và tiền huy động từ nguồn xã hội hoá là 52 tỷ.  

Được biết, đơn vị thi công sẽ cắt sâu vào vách núi (khoảng 20 đến  25m) để tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi.

Trước đó vào năm 2017, tỉnh Bình Định cũng đã chi 118 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác để xây tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành đặt tại quảng trường trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn.

Đáng chú ý, Bình Định là tỉnh nghèo thứ 12 trên cả nước.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: