Không ai biết trong 3 ngày bị bắt cóc, giam cầm, bị 5 kẻ đồi bại thay nhau hãm hiếp trong bóng đêm dày đặc, Duyên đã phải trải qua cơn tra tấn tinh thần như thế nào? Không ai biết cô gái nhỏ bé phải tự mình chống chọi với nỗi sợ hãi, cơn hoảng loạn, cô độc tận cùng và bế tắc ra sao từ đêm 30 Tết cho tới đêm mùng 2, khi em chỉ còn là xác thân kiệt quệ, bị đưa ra nghĩa trang và bị siết cổ tới chết.

3 ngày đêm tăm tối, không ai hay, chỉ có tiếng linh hồn em cô độc.

cao thi my duyen
Hình ảnh cuối cùng của Cao Thị Mỹ Duyên trước khi bị mất tích vào chiều 30 Tết. (Hình ảnh qua camera an ninh)

Cho tới nay, những tranh cãi và nghi vấn vẫn tiếp diễn xoay quanh vụ án đau lòng ở Điện Biên. Thông tin về Duyên bắt đầu được đưa từ 30 Tết. Chiều 30, một vụ án mất tích. Một vài dòng tin vắn khiến những ai quan tâm lặng im quan sát, mong một tin tốt lành sẽ đến liền sau.

Rồi Tết. Chiều 30, mọi thứ quá cuồng quay vội vã. Tết đến, sầm sập, rất nhanh. Pháo hoa, những chương trình Tết. Trên mặt báo, xen lẫn đó đây là cuộc đếm xác tai nạn giao thông lặp lại từng ngày.

Giữa khi ấy, không ai hay biết có cô gái với cơn hoảng loạn tận cùng đang bị giam cầm trong ngôi nhà hoang gần đồi Độc Lập (TP Điện Biên Phủ). Không ai biết nỗi đau câm trong thùng xe tải của kẻ chủ mưu trong vụ án, ngày mùng 2 Tết. Sự tàn khốc bị đẩy lên tận cùng khi 5 gã đàn ông thay nhau xâm hại tình dục một cô gái đã bị khống chế. Chúng thay nhau hãm hiếp em sau khi dùng côn có xích sắt siết cổ em đến khi ngất. Chúng thay nhau hãm hiếp em ngay sau khi sang nhà nhau chúc Tết vào mùng 2.

Khi sức khỏe của em suy kiệt, khuya mùng 2, những gã đàn ông dùng xe tải chở em đến nghĩa trang, dùng côn có xích sắt siết cổ em đến chết. Tất cả, cả 5 kẻ thủ ác cùng khiêng xác Duyên bỏ lại một ngôi nhà hoang.

Cái ác quá lớn. Cái ác khiến bất kỳ ai cũng phải bàng hoàng: Họ là người hay là ác quỷ? Tội ác đó không đến từ sự bộc phát mất lý trí, tội ác đó diễn ra điềm nhiên bởi những kẻ tỉnh táo đã bán linh hồn cho quỷ. 3 ngày giam cầm, hiếp dâm nhiều lần, phi tang vật chứng, và giết người. 3 ngày, hơn 70 tiếng, chúng chứng kiến nạn nhân dần suy kiệt; 3 ngày, hơn 70 tiếng, chúng hẳn phải nghe nạn nhân van xin, nghe những lời tuyệt vọng, khẩn nài nhiều lần.

Nhưng sau tất cả, những kẻ thủ ác vẫn đi tới tận cùng của sự tàn nhẫn. Chúng nhắm chọn Duyên như con mồi, rồi giết và trà trộn vào đám người tiếc thương Duyên. Đeo mặt nạ con người, chúng thực hiện tất cả các hành vi của con người – chúc Tết, tiếc thương, truy tìm thủ phạm – nhưng đằng sau tất cả, chúng không phải là con người.

Không ai từng sống mà không mắc phải điều sai trái. Ranh giới phân biệt giữa người tốt với kẻ xấu là sự sám hối, mong muốn vãn hồi lại những sai lầm tệ hại. Nhưng đối với kẻ đã bán linh hồn cho quỷ, lương tri không tồn tại. Ngay khi cái ác đã quá lớn, chúng nhất định phải đẩy tội ác tới tột cùng.

Còn đối với lực lượng công an, sự thất vọng của dư luận bị đẩy lên cao gấp bội khi thông tin khen thưởng được tuyên bố. Báo án ngay từ ngày 30 Tết, điều gia đình nhận về là thi thể của con được người dân tìm thấy 3 ngày sau tại một ngôi nhà bỏ hoang. Mong muốn của người dân khi báo án là để sớm ngăn ngừa tội ác, là mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi con được tìm thấy lành lặn. 3 ngày, với một vụ án mà hành vi gây án và phi tang đều xảy ra trong địa bàn một tỉnh, 5 đối tượng gây án đều nằm trong danh sách theo dõi của công an do từng có tiền án, là đối tượng nghiện ma túy lâu năm – đó có phải thời gian quá dài để ngăn ngừa một tội ác tột cùng kinh khủng có thể diễn ra? 11 ngày truy xét, kẻ thủ ác bị bắt, nhưng một mạng người luôn chờ đợi được cứu trong 3 ngày vĩnh viễn không được cứu – sự thiếu khuyết này có góc nào cần phải đề cập tới tính lương tri, của tinh thần trách nhiệm những cá nhân liên quan?

48 bằng khen được UBND và công an tỉnh Điện Biên trao tặng, kèm giá trị khen thưởng 3 triệu đồng cho mỗi tập thể và 1 triệu đồng cho mỗi cá nhân – tất cả chúng ta đều biết, việc khen thưởng không phải do tập thể đó, cá nhân đó tự đứng ra muốn là làm. Sự khen thưởng luôn đến từ một tập thể lãnh đạo cao hơn. Quyết định khen thưởng ấy có phải là màn kết có hậu cho một buổi “thông cáo báo chí về kết quả điều tra vụ án giết người, hiếp dâm, cướp tài sản xảy ra tại địa bàn huyện Điện Biên”? Nếu thực như vậy, thì bằng nghiệp vụ được đào tạo, những người nhận khen thưởng, liệu họ có thực sự vui khi lĩnh nhận? Chỉ cần đặt mình vào trong lòng dân, ai cũng sẽ hiểu cái kết có hậu không phải ở một chuyên án được phá mà thời gian cơ hội để cứu sống nạn nhân đã bị tuột mất.

Không ai bảo ai, trên không gian mạng, những người không quen đang cùng nhau chia sẻ lời nhắn: “Chúng tôi xin lỗi” với bông hoa hồng kèm hashtag #côgáiĐiệnBiên. Họ thấy bản thân có lỗi vì sự thờ ơ, có lỗi vì đã im lặng quá lâu trước sự thờ ơ chung, vô trách nhiệm chung của toàn xã hội khi mạng người ngày càng bị coi như không. Họ không chọn cách tránh nhắc lại vụ việc đau lòng, họ tìm cách để đối diện với trách nhiệm của chính mình trước thực trạng đạo đức mỗi lúc một trở nên suy đồi.

Trong nỗi ám ảnh nhiều ngày về vụ án, tôi tự đặt câu hỏi: Sức mạnh nào khiến em không đầu hàng trong 3 ngày địa ngục trần gian đó? Cô độc, hoảng loạn, bị xâm hại liên tục, vào lúc nhà nhà đang bên nhau sum vầy, ý chí nào khiến em không chọn con đường tự giải thoát? Có lẽ – chỉ là sự mường tượng của riêng tôi thôi, nhưng tôi tin, trong bóng đêm đen đặc bao trùm ấy, ý nghĩ về mẹ không chỉ một lần thoáng qua trong em. Mong muốn được trở về, được gặp mẹ… có lẽ đã giúp em gắng gượng đến thế để không chọn con đường khác.

Ngay cả khi sự sống cuộc đời này của em chấm dứt, em đã là một người tốt, em đã đến bên đời, và mọi người sẽ không quên em.

Xuân Tường

Xem thêm: