Được tự do sau 385 ngày chịu oan sai, ba thanh niên trong vụ cướp tài sản “Chiếc áo đỏ” ở Cà Mau cùng khởi kiện đòi tăng mức bồi thường.

vu-an-giam-oan-o-ca-mau
Khang, Nhựt và Ca lúc được trả tự do. (Ảnh: Công Tuấn/nld.com.vn)

Ngày 4/1, ba thanh niên chịu án oan trong vụ cướp điện thoại ở Cà Mau vào tháng 6/2015 cho biết đã cùng gửi đơn kiện đòi Viện KSND huyện Cái Nước (Cà Mau) tăng mức bồi thường oan sai.

Ba thanh niên trong vụ án oan là Lê Minh Nhựt (SN 1998), Nguyễn Vũ Ca (SN 1996) và Nguyễn Hoàng Khang (SN 1995). Từ ngày 30/12/2016, Nhựt, Ca và Khang lần lượt nhận được các quyết định giải quyết bồi thường oan sai từ Viện KSND huyện Cái Nước.

Theo các quyết định này, Nhựt được bồi thường hơn 99 triệu đồng, Ca được bồi thường 146,9 triệu đồng, Khang 123 triệu đồng.

Trong nhiều lần thương lượng trước đó, ba thanh niên và Viện KSND huyện Cái Nước đã không đạt được các thỏa thuận về mức bồi thường khi Nhựt, Ca và Khang đề nghị bồi thường hơn 400 triệu đồng mỗi người.

Vụ án oan “chiếc áo đỏ” xảy ra vào tối ngày 2/6/2015 khi anh Lâm Chí Nhẫn (quê Cà Mau) đang dừng xe để nghe điện thoại trên cầu Lương Thế Trân (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) thì bị một nhóm người đến cướp điện thoại (trị giá 3,7 triệu đồng). Anh Nhẫn cùng lực lượng công an xã Lương Thế Trân đã đuổi theo nhóm cướp tẩu thoát.

Khi đến khu vực xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) – cách hiện trường khoảng 2km, anh Nhẫn gặp nhóm ba thanh niên gồm Nhựt, Khang và Ca đang ngồi nhậu trong quán 797. Khi này, Nhựt mặc áo đỏ – giống với một người trong nhóm đã cướp điện thoại, anh Nhẫn cho rằng ba thanh niên chính là nhóm cướp điện thoại của mình. Cả ba bị công an xã mời về làm việc. Công an huyện Cái Nước sau đó đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi cướp giật.

Ngày 4/12/2015, TAND huyện Cái Nước xét xử sơ thẩm vụ án. Trước tòa, Ca, Khang và Nhựt phản cung và cho biết trước đây mình nhận tội do bị điều tra viên ép buộc.

Trên báo Pháp luật TP.HCM, Khang kể: “Khi em trả lời không biết gì về vụ cướp thì bị chú công an đấm vào lưng em 4-5 cái. Rồi chú lại tiếp tục đánh vào mặt và lưng em 3-4 cái vì em trả lời không biết. Vì quá đau và sợ bị đánh chết nên em đành nhận có tham gia cướp. Sau đó, chú cho người kêu em ký vào biên bản”.

Khang cho hay trước khi bị bắt em làm công nhân may ở Bình Dương, nếu thường xuyên tăng ca, em nhận được mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Em bị bắt và sau gần 400 ngày trong trại tạm giam mới được trả tự do.

Nguyễn Vũ Ca cho biết hôm em bị bắt là lúc đang cùng Khang lên TP. Cà Mau để thăm người chị, có ghé chỗ Nhựt chơi, khi đang ngồi nhậu cùng nhau thì công an xã đến quán và nói cả ba là kẻ cướp và bắt giam lại. Ca kể hơn một năm bị giam trong trại là khoảng thời gian em hoang mang và lo lắng nhất đến mức bị khủng hoảng tinh thần. Em đã bị ép nhận tội, vì vậy em rất mong đến ngày ra tòa để được kêu oan.

Còn Lê Minh Nhựt lúc đó vừa học xong lớp 10, em phụ chạy bàn thuê ở quán, hôm đó đang ngồi cùng với Khang và Ca thì bị công an nói là kẻ cướp. Sau khi được tại ngoại, công an còn kiểm tra em liên tục khiến chủ nhà trọ nơi em theo học không cho thuê nữa. Sau đó, em đã vào học nội trú trong một trường cấp 3 ở Cần Thơ cùng với bao tủi cực.

Cha của Nhựt, ông Lê Văn Mỹ cho biết khi nhận bào chữa miễn phí cho ba em, Luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã phát hiện ra nhiều sai sót trong vụ án: Khang không ký tên trong bản hỏi cung, việc lấy lời khai có khi diễn ra vào ban đêm, hay quần đồng phục của Nhựt mặc là quần dài, không phải là quần ngắn như lời khai của người bị hại…

Sau nhiều lần tòa trả hồ sơ vì thiếu chứng cứ, đến tháng 8/2016, Viện KSND huyện Cái Nước đã đình chỉ vụ án “cướp tài sản” trên.

Trong lần khởi kiện đòi tăng mức bồi thường tới đây, Luật sư Trần Thị Ánh sẽ tiếp tục nhận lời bảo vệ miễn phí cho cả ba em.

Lưu Giang (T/h)

Xem thêm: