Cái tầm của một vị bộ trưởng, không chỉ ở những quyết sách đúng đắn, mà còn là ở lương tâm và đạo đức, nhất là trong ngành giáo dục thì “đức” còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. “Thất đức” với giáo dục, chính là đã tự tay đánh trượt đi tương lai của chính đất nước mình.

5486363
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: quochoi.vn)

Khi sự giả dối phát tác ở quy mô khó có thể hình dung

Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Hàn Quốc Hwang Woo-Yea đã phải công khai xin lỗi sau khi 2 câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học quốc gia có sự nhầm lẫn. Lẽ ra chỉ có 1 đáp án đúng, thì câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh và môn sinh học lại có đến 2 đáp án đúng.

Đối với người Hàn Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học là một dấu mốc quan trọng xác định tương lai của hàng chục nghìn học sinh trung học. Vì sự sai sót của đề thi có thể gây ảnh hưởng đến điểm thi của nhiều thí sinh, người đứng đầu ban kiểm tra thi cử quốc gia bị yêu cầu từ chức, còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã phải công khai xin lỗi trên sóng truyền hình.

Tại Việt Nam, thời gian qua dư luận cả nước chấn động vì bê bối gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bị phanh phui tại nhiều tỉnh thành. Hàng trăm bài thi được nâng điểm, thậm chí từ điểm liệt lên thành điểm tối đa, từ thí sinh thực tế bị trượt tốt nghiệp lại trở thành thí sinh trong “bảng vàng” toàn quốc.

Điều đáng nói ở đây, là điểm số kỳ thi tốt nghiệp THPT này được dùng để xét vào đại học – một ngưỡng cửa được xem là quan trọng nhất đối với việc dùi mài kinh sử đằng đẵng 12 năm của mỗi học sinh, cũng là niềm mong mỏi của cả một gia đình, dòng họ.

Tính chất nghiêm trọng của vụ việc không chỉ làm phẫn nộ các bậc phụ huynh, gây ra sự bất an trong lòng các sĩ tử, mà còn như một cú đánh vào lương tri người dân cả nước về tương lai của một nền giáo dục được xây nên từ quá nhiều bất cập, bệnh thành tích và giờ đây, là sự giả dối phát tác ở quy mô khó có thể hình dung.

Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình – những tỉnh miền núi vụt trở thành “điểm nóng” trong kỳ thi sát hạch, là tâm điểm của sự chỉ trích và nghi vấn. Nhưng có lẽ hiện tại đã không còn nhiều người tin rằng sự gian dối này chỉ diễn ra ở các địa phương nói trên, cũng như không còn tin rằng nó chỉ diễn ra trong năm nay và “chẳng may” bị phát hiện.

Trách nhiệm của Bộ trưởng: Vì sao còn nợ một lời công minh?

Ngay khi kỳ thi năm 2018 kết thúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công.”

Lời nhận xét của Bộ trưởng đã được soi chiếu bằng thực tế trên. Song song với việc theo dõi diễn biến của vụ gian lận có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này, dư luận cũng đặt ra câu hỏi đồng thời ngóng chờ xem phản ứng của vị tư lệnh ngành về trách nhiệm của cá nhân ông đối với sự vụ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, ông đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm.

Ông cũng khẳng định qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, “nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người, con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.”

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lại việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng vì tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội.

Ông Nhạ kết luận đã trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GD-ĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất.

Thực tế cho thấy, với một bê bối trong ngành đặc biệt nghiêm trọng như vụ việc đã xảy ra, ảnh hưởng đến tương lai của rất nhiều thí sinh và gia đình, cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của toàn xã hội, gây tổn thương cho những học sinh trung thực và những nhà giáo chân chính, nếu là sự vụ xảy ra tại đất nước Hàn Quốc như ở đầu bài đã nêu, có lẽ ông Bộ trưởng Hàn Quốc đã từ chức.

Còn ở Việt Nam, khi từ chức còn chưa được định hình thành một lối ứng xử, chí ít người dân cũng chờ đợi một sự dũng cảm nhận trách nhiệm từ người đứng đầu ngành giáo dục. Thế nhưng Bộ trưởng Nhạ đã không một lời xin lỗi, đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho cấp dưới như thể bản thân mình vô can. Vậy ông trả lại công bằng cho học sinh và niềm tin cho xã hội như thế nào?

Bộ trưởng Nhạ là người đã khởi xướng việc bỏ thi đại học, dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, tước đi quyền và trách nhiệm xét tuyển của các trường đại học và chuyển nó cho địa phương.

Mặc dù những lợi ích về một kỳ thi tiết kiệm, thuận lợi cho thí sinh là có thực, nhưng cái lợi chẳng bõ cho cái mất khi cơ chế này tạo ra rất nhiều khe hở cho tiêu cực nảy sinh, và trên hết là nó không đảm bảo được mục tiêu của việc xét tuyển đại học là lựa chọn những thí sinh đủ tiêu chuẩn.

Với cương vị Bộ trưởng, chắc hẳn ông Nhạ phải lường trước được những nguy cơ về gian lận là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi giao về cho địa phương. Tiêu cực dễ dàng nảy sinh từ một cơ chế tuyển sinh không phù hợp, thì ở cương vị Bộ trưởng liệu ông có vô can?

Người dân và các bậc phụ huynh sẽ yên tâm ra sao khi người chịu trách nhiệm cao nhất trong ngành giáo dục nhưng lại không có dũng khí và tự trọng để nhận trách nhiệm? Hơn cả vậy, ông còn cho rằng dư luận đang lợi dụng việc này làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Những bê bối trong ngành giáo dục thời gian gần đây, tình trạng đạo đức học đường xuống cấp, phải chăng cũng có nguyên nhân từ tình trạng thờ ơ, vô trách nhiệm của những lãnh đạo ngành?

Cái tầm của một vị bộ trưởng, không chỉ ở những quyết sách đúng đắn, mà còn là ở lương tâm và đạo đức, nhất là trong ngành giáo dục thì “đức” còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. “Thất đức” với giáo dục, chính là đã tự tay đánh trượt đi tương lai của chính đất nước mình.

Một xã hội phát triển bền vững chỉ khi nền giáo dục đào tạo ra được những con người có đủ đức và tài. Trong thang bậc văn minh, vị trí đứng đầu ngành chẳng phải cũng là một loại thước đo mà xã hội đòi hỏi phẩm giá, nhân cách cần được xác lập hay sao? Niềm tin của mỗi từng người dân trong xã hội không phải là điều mơ hồ, khi chúng là một trong những yếu tố quyết định tính chính danh của quyền lực.

Tuệ Minh

Xem thêm: