Kết hợp với không khí lạnh, bão số 14 sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ đêm mai (19/11), vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến Hà Tĩnh).

chum anh va duong di cua bao so 14
Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão số 14. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h sáng nay (18/11),  vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km về phía Bắc, 100 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10h ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km về phía Bắc, 150 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 20/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (19/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6 m. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24h tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.

Cũng từ sáng sớm mai, khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến Hà Tĩnh).

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trước đó, tại buổi họp khẩn do UBND TP.HCM tổ chức nhằm ứng phó với bão, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định tuy bão ảnh hưởng gián tiếp tới TP.HCM, tuy nhiên , các địa phương vẫn phải lên các phương án đề phòng. Nhất là TP.HCM có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh… và đang trong đợt đỉnh triều cường đạt 1,6 m. Dự báo, TP.HCM có gió mạnh cấp 4, gió giật có thể đạt cấp 6 – 7. Trong hai ngày 19 và 20/11, tại thành phố có mưa với lượng mưa từ 15 – 20 mm.

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết còn 42 tàu thuyền công suất trên 90 CV hoạt động trên biển, trong đó có 2 chiếc ở khu vực Côn Đảo, 7 chiếc khu vực quần đảo Hoàng Sa, một chiếc ở đảo Thổ Chu… Các tàu thuyền này đã được thông tin về đường đi, diễn biến của bão để ứng phó.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay không khí lạnh đã ảnh hưởng tới một số nơi thuộc vùng núi phía Bắc. Trong trưa và chiều nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng tới các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa diện rộng. Gió trong đất liền chuyển hướng đông bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ đêm nay, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-16 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.

Khu vực TP. Hà Nội có mưa, từ đêm nay trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất vào đêm và sáng sớm phổ biến 15-17 độ C.

Minh Long

Xem thêm: