Từ năm 2011 tới 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.

bạo lực gia đình
Trong 5 năm (từ 2011- 2015), cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình. (Ảnh minh họa/vn.undp.org)

Đây là kết quả thống kê của Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sau gần 9 năm áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Số liệu thực tiễn cho thấy tình trạng BLGĐ vẫn đang tồn tại, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện vẫn tăng cao trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.

Trong tổng 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện từ năm 2011 tới 2015, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%), 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%) và 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%).

Trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), trung bình mỗi năm xảy ra hơn 31.500 vụ BLGĐ. Năm 2012 thậm chí xảy ra tới 50.766 vụ BLGĐ, gấp hơn 1,5 lần con số bình quân hàng năm.

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam (2010), 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết rằng họ đã từng bị ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong cuộc đời.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy hầu hết phụ nữ bị bạo lực tình dục cũng bị bạo lực thể xác và những người bị cả bạo lực thể xác và bạo lực tình dục thì thường họ bị bạo lực thể xác nghiêm trọng hơn và phụ nữ thường cho rằng bạo lực tinh thần có ảnh hưởng đến họ nhiều hơn so với bạo lực thể xác hay tình dục. Tuy nhiên, đa số thường không nhận biết được điều đang xảy ra với họ về khía cạnh “bạo lực”.

Khi gia đình lại là ngọn nguồn của bạo lực

Kết quả nghiên cứu trên, tính đến năm 2010, 34,4% số vụ BLGĐ ở Việt Nam liên quan tới bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác, hoặc cả hai, đối với phụ nữ do chồng gây ra. Tỷ lệ này tập trung lớn nhất tại Đông Nam Bộ, kế đến là đồng bằng sông Hồng.

bạo lực gia đình
(Nhấp vào hình để phóng to) Tỷ lệ phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực thể xác, tình dục hoặc cả hai chia theo vùng, tính đến 2010. (Nguồn: gso.gov.vn)

Ngoài ba hình thức bạo lực phổ biến trên, còn hình thức bạo lực về kinh tế. Trong khảo sát, định nghĩa bạo lực về kinh tế là khi người chồng chiếm đoạt những khoản thu nhập và tiền tiết kiệm của vợ hoặc từ chối đưa tiền để nuôi con cái và chi phí chung trong gia đình ngay cả khi bản thân có tiền để tiêu vào những mục đích khác.

Theo kết quả khảo sát trên, cứ 100 phụ nữ ở Việt Nam thì 9 người bị bạo lực về kinh tế. Điều đáng nói là bản thân phụ nữ và những người khác trong cộng đồng không nhận ra đó là hành vi bạo lực về kinh tế khi người chồng kiểm soát tất cả tài chính hoặc bắt vợ phải làm việc quá sức do không chu cấp tiền. Việc bắt vợ ghi chép để giám sát từng khoản chi tiêu và chửi vợ nếu những chi phí đó không rẻ như họ nghĩ cũng được cho là hành vi bạo lực về kinh tế.

bạo lực gia đình
Gần một nửa phụ nữ (49,6%) cho hay chưa từng kể với bất kỳ ai về hành vi bạo lực của chồng. (Nguồn: gso.gov.vn)

Ngoài ra, không chỉ phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và đặc biệt là trẻ em trai cũng có thể là “nạn nhân” của BLGĐ. Nhận thức về điều này giúp tăng thêm hiểu biết về các khía cạnh của BLGĐ. Trong khi chỉ có khoảng 2,8% phụ nữ từng kết hôn tham gia khảo sát cho biết họ đã từng khởi xướng cho việc bạo lực đối với chồng của mình thì 87,4% người bị chồng gây bạo lực thể xác cho biết họ chưa bao giờ phản ứng lại.

BLGĐ nghiêm trọng không chỉ ở số lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan điều tra, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến BLGĐ. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ chồng cắt gân chân tay vợ (Bắc Giang, 2015), chồng đổ xăng thiêu vợ con (Đăk Lăk, 2016)…

Điều đó xảy ra rất nhiều lần đến mức tôi không nhớ nổi là bao nhiêu” – (Một người bị bạo lực thể xác tại Hà Nội)

Bạo lực có bị sao chép hành vi?

Những đứa trẻ đã chứng kiến BLGĐ có thể trở thành nạn nhân hoặc trở thành người gây bạo lực do sao chép hành vi của bố mẹ.

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, bạo lực đối với trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với bạo lực đối với phụ nữ do cùng một đối tượng gây ra. Con của phụ nữ có chồng bạo hành có nguy cơ cũng bị đánh đập cao gấp hai lần và thậm chí là cao hơn nếu người chồng bạo hành vợ nghiêm trọng.

Trong khi đó, phụ nữ có chồng bạo hành có mẹ từng bị cha đánh đập có nguy cơ bị đánh đập cao gấp hai lần so với những phụ nữ khác. Nguy cơ này tăng gấp ba lần nếu họ có mẹ chồng bị bố chồng đánh hoặc bản thân chồng cũng bị đánh đập khi còn nhỏ.

Điều này cho thấy, trải nghiệm thơ ấu đối với người chồng và người vợ là một yếu tố quan trọng dẫn tới việc người vợ/chồng có trở thành nạn nhân/người gây bạo lực trong đời sống sau này hay không.

Xâm hại tình dục đối với trẻ em là một hình thức khác, nghiêm trọng hơn của BLGĐ. Tình trạng loạn luân cha đẻ hiếp con gái chiếm 0,6%, cha dượng hiếp con riêng của vợ chiếm 1% trong tổng số gần 1.200 vụ hiếp dâm trẻ em, theo kết quả khảo sát năm 2013 do Bộ Lao động TB&XH thực hiện.

Tuy nhiên, cần hiểu là số liệu trên chỉ là bề nổi. Trên thực tế còn rất nhiều vụ xâm hại mà nạn nhân không dám tố cáo vì sợ làm ảnh hưởng đến uy tín gia đình, bị đe dọa, xấu hổ do định kiến bao vây. Trong cuộc khảo sát về BLGĐ nói trên, 56,6% phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết chồng mình làm cho con sợ hãi hoặc dọa nạt, 15,7% cho biết đã tát, xô đẩy, ném đồ đạc vào người con, nhưng chỉ có một người đề cập đến hành vi lạm dụng tình dục.

Đối với các nạn nhân, phần lớn hoặc im lặng chịu đựng, hoặc cần phải mất nhiều năm mới có thể lên tiếng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị lạm dụng tình dục thuở nhỏ bị rơi vào vòng xoáy bán dâm hoặc trở thành tội phạm xâm hại tình dục.

Bình đẳng giới và đói nghèo

Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm nhiều”, bà Henrica A.F.M. Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu của dự án Nghiên cứu quốc gia… (2010) nói trên cho hay. Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – ông Jean Marc Olive cho biết “phá bỏ sự im lặng” là một việc cần phải làm để chấm dứt nạn BLGĐ. Bởi một thực tế rằng bạo lực gia đình gần như bị khép kín trước những giám sát của xã hội, khi nạn nhân thường chọn cách chịu đựng khi cảm thấy bị ràng buộc cả về tinh thần, con cái và tài sản đối với người bạo hành.

Theo đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về bạo lực trong gia đình là hai trong số nhiều đòi hỏi cần thiết để ngăn ngừa và thay đổi tình trạng BLGĐ, vốn đang ở con số hơn 31.500 vụ/năm ở Việt Nam.

Về nguyên nhân sâu xa, thì nghèo đói và định kiến cho phép sử dụng bạo lực ở nam giới là những lý do đẩy phụ nữ tới chỗ kém tiếng nói trong gia đình.

Theo Oxfam, một trong những tổ chức chống đói nghèo lớn nhất thế giới, phụ nữ nằm trong nhóm người có nhiều khả năng bị nghèo hóa, khó tiếp cận các dịch vụ công, tham gia vào quá trình ra quyết định và bị phân biệt đối xử trong xã hội. Do không được coi trọng, trẻ em gái ít có cơ hội được đi học, trong khi phụ nữ không được trao quyền để đòi hỏi các quyền về việc làm và tài sản.

Trong khi ngày càng có hộ gia đình ở Việt Nam bị rớt xuống nghèo hoặc nghèo sâu hơn do các chi tiêu y tế, sinh hoạt, thì nam giới vẫn chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản có giá trị khác. Tình trạng này có thể khiến phụ nữ bị mất quyền trong trường hợp ly hôn hay hưởng thừa kế. Đây được coi là một trong những lý do chủ yếu khiến phụ nữ chọn chịu đựng bị bạo hành, thay vì tìm kiếm sự bảo vệ từ các tổ chức dân sự hoặc pháp luật do thiếu kiến thức xã hội.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tình trạng chấp nhận cho rằng hành vi bạo lực trong gia đình giữa chồng và vợ là “bình thường”, việc kỷ luật con cái bằng bạo lực cũng là “bình thường”. Việc giảm tỷ lệ sinh cũng giúp kinh tế gia đình không bị kéo lùi lại, phụ nữ được giảm bớt gánh nặng gia đình để có việc làm riêng, cải thiện địa vị trong gia đình và nâng cao nhận thức xã hội.

Mặc dù phụ nữ là đối tượng chính, tuy nhiên nam giới là đối tượng thiểu số trong nạn BLGĐ. Giảm nguy cơ nghèo đói là cách tích cực để người dân cải thiện dân trí, tiếp cận thông tin để nâng cao lại các giá trị đạo đức, giúp từng bước thay đổi quan niệm về sử dụng bạo lực trong gia đình.

Nguyễn Quân

Xem thêm: