Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đến cuối tháng 6/2020 vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết trong một văn bản vừa công bố.

bui nhiet dien vinh tan 1
Bụi mù mịt gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, năm 2015. (Ảnh cắt từ clip/Youtube)

Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận ngày 16/7 công bố văn bản do ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, thúc giục các chủ đầu tư và nhà thầu thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thực hiện các giải pháp để giám sát chống bụi, ứng phó sự cố bụi phát sinh, kiểm soát ô nhiễm sau xử lý… tại khu vực bãi xỉ thải.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 6/2020, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than; Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chưa bố trí khu vực lưu chứa nước mưa thu gom trong lòng bãi thải tro, xỉ than;…

Tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Ban quản lý nhiệt điện Vĩnh Tân phải hoàn thiện phương án và triển khai lắp đặt camera giám sát kho than giám sát được bụi trong và ngoài kho than, việc vận hành công trình tưới nước giữ ẩm kho than. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 30/7/2020.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhanh chóng thi công đê bao tầng 2; thực hiện phân chia ô bãi tro, xỉ cho các tầng tiếp theo chưa chôn lấp, xây thêm hồ chứa nước tại khu vực bãi thải xỉ trước mùa mưa để dự trữ nước tưới, các bơm, đường ống tưới nước dự phòng để ứng phó kịp thời khi có gió lớn, lốc xoáy.

Nhà máy này phải cập nhật lại quy trình vận hành phòng chống bụi, phương án ứng phó các hiện tượng bất thường hoặc sự cố bụi phát sinh theo đúng thực tế (quy trình vận hành này phải chi tiết, có đầy đủ số liệu vận hành theo thực tế); lắp đặt thiết bị giám sát tự động thông số kiểm soát độ mặn nước thải sau xử lý để bơm tái sử dụng tưới bãi xỉ, thời gian hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2020.

Đối với Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận yêu cầu hoàn thiện phương án thoát nước (mái dốc bên ngoài bãi thải tro, xỉ), phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ trước mùa mưa theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công ty này phải lắp đặt bảng điện tử hiển thị thông số quan trắc tự động chất lượng môi trường tại nhà máy để công khai số liệu để người dân kiểm tra, giám sát, hoàn thành trong tháng 7/2020; hoàn tất thủ tục để khai thác cầu Cảng 1.000 DWT để xuất tro xỉ bằng đường biển.

Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với UNBD tỉnh Tuy Phong xem xét di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; sau khi hoàn thành di dời, cải tạo thành khu cây xanh để tạo hành lang an toàn môi trường cho khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân.

Văn bản chỉ đạo trên được công bố sau khi Bộ TN-MT gửi tỉnh Bình Thuận kết quả kiểm tra tình trạng bụi phát sinh tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Bụi phát sinh tại thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến, huyện Tuy Phong (các khu dân cư có vị trí gần với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4) và bụi từ bãi xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

>> Dân gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đến khi nào mới thoát khỏi ô nhiễm?

Mẫu không khí lấy từ khoảng cách 130 – 180m so với tường rào nhà máy Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có thông số bụi vượt từ 1,19 – 1,63 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn vào ban đêm vượt khoảng 1,05 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Ngoài việc yêu cầu các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thực hiện ngay các giải pháp khắc phục, kiểm soát tình hình bụi, tiếng ồn, Bộ này kiến nghị tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận (Ninh Thuận, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên…) sử dụng tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã được công nhận hợp chuẩn, hợp quy để làm vật liệu san lấp.

Bộ TN-MT đề nghị tỉnh Bình Thuận sớm di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân cho khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân vì tường rào của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ cách nhà dân khoảng 80m. Sau khi hoàn thành việc di dời dân, tổ chức cải tạo thành khu cây xanh cảnh quan để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn phát sinh.

Cần lưu ý, việc dùng tro xỉ từ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp vẫn còn nhiều ý kiến bàn cãi. Năm 2019, Viện Vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã cấp chứng nhận hợp chuẩn cho xỉ thép đã được hợp chuẩn của Công ty Formosa và tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 làm vật liệu sản lấp.

Tháng 4 đầu năm nay, từ ngày 23-25, khi chính quyền xã xin tro, xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 về san lấp, nâng cấp sân vận động xã để đạt tiêu chí nông thôn mới, hàng trăm người dân xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã tập trung cản trở, phản đối vì cho rằng xỉ thép san lấp này độc hại, gây ảnh hưởng môi trường.

Ngoài ra, theo kết quả do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID – thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức công bố vào tháng 9/2015, khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm km, tạo bụi siêu nhỏ, gây nên các bệnh về đường hô hấp, ung thư.

Nguyễn Minh