Ngày 8/4, tại buổi toạ đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường – Để trẻ em không đơn độc,” Phó cục trưởng cục Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường cho biết theo thống kê của ngành công an, đã xảy ra 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc chỉ trong quý I/2019, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.

8 Cục trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Hanoimoi)

Thời gian gần đây, bạo lực học đường thường xuyên xảy ra, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, điển hình là vụ nữ sinh học lớp 9 ở tỉnh Hưng Yên bị 5 bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng phải nhập viện. Ngay tiếp theo đó là vụ nữ sinh ở Nghệ An bị một nhóm bạn cùng trường bắt quỳ xin lỗi và tát. Mới đây nhất là vụ nữ sinh lớp 11 ở Quảng Ninh bị hơn chục học sinh khác đánh hội đồng khiến em phải nhập viện.

Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân chủ yếu do đây là lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình.

Ngoài ra, một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Thiếu tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm – giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an – nhận định hiện nay, trẻ em đang thiếu sự trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục của trẻ.

Bên cạnh đó, các em còn có thể chịu sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn. Công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường.

Về vấn đề xâm hại trẻ em, theo Thiếu tá Lâm, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục còn có tư tưởng cổ hủ, e ngại khi cho rằng không nên nói những chuyện liên quan đến tình dục với trẻ em. “Trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa “yêu thương”, “nũng nịu” với dâm ô, xâm hại tình dục”, ông Lâm nói.

“Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm; và cũng có thể do Nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên “tội ác” đã không được đưa ra ánh sáng”, ông nhận định

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) nêu vấn đề, “Hiện nay, Việt Nam có tới 17 cơ quan phụ trách xử lý vấn đề về xâm hại trẻ em và bạo lực học đường, đặc biệt có Tổng đài 111 chuyên xử lý các vấn đề về bạo lực trẻ em. Vậy, vì sao các em vẫn đơn độc trong việc chống lại bạo lực học đường?”

Ông Nam cho rằng đó là do sự vào cuộc của các cơ quan chưa kịp thời và hiệu lực của Luật trẻ em năm 2016 đi vào cuộc sống vẫn còn rất chậm.

Cục trưởng Cục trẻ em cũng cho rằng không chỉ các em bị đánh đập là nạn nhân của bạo lực học đường, mà kể cả những học sinh gây bạo lực cũng là nạn nhân bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em mà còn nằm ở những người chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ông Nam đề xuất nếu học sinh gây tổn hại cho bạn bè đến mức phải chịu trách nhiệm dân sự thì cha mẹ – những người giám hộ phải bồi thường dân sự.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương cũng cần chịu trách nhiệm bởi chưa làm hết sức mình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ và đầu tư cho trẻ em.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: