Trong 4 năm qua (từ năm 2013 đến năm 2017), hơn 1.000 ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc 153 tàu cá bị các nước Indonesia, Malaysia bắt vì xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật.

ngu dan xam pham vung bien anh minh hoa
Hơn 1.000 ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu bị nước ngoài bắt. (Ảnh minh họa: baobinhthuan.com.vn)

Ngày 23/5, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức buổi Hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật“.

Theo đó, UBND tỉnh cho biết từ năm 2013 đến ngày 22/5/2017, đã có 153 tàu cá và 1.181 ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu bị nước ngoài bắt giữ do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật. Trong đó, Indonesia bắt giữ 150 tàu với 1.137 ngư dân; Malaysia bắt giữ 3 tàu với 44 ngư dân.

Các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ đều có công suất máy từ 250CV trở lên, hầu hết hành nghề giã cào, lưới rê và câu. Khu vực bị bắt giữ nằm ở vùng chồng lấn hoặc nằm trong vùng biển của Indonesia và Malaysia.

Theo biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc tàu cá trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Lý giải về tình trạng này, ông Bùi Văn Thảo – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng nguyên nhân là do có sự môi giới giữa cá nhân Việt Nam với một số cá nhân thuộc lực lượng kiểm ngư Indonesia để giúp cho các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài với hình thức sử dụng thẻ, số hiệu, cờ của nước Indonesia. Giá tiền để đưa một cặp tàu ra nước ngoài đánh bắt từ 10 đến 12 nghìn USD.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cho hay một nguyên nhân nữa là giữa Việt Nam và một số nước có chung vùng biển chồng lấn như Indonesia, Malaysia vẫn chưa có Hiệp định phân định vùng biển. Do vậy, ngư dân vẫn ra đó khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, hình phạt đối với tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài còn nhẹ (từ 50-70 triệu đồng và chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

Về phía ngư dân, ông Nguyễn Văn Nhỏ (ngụ ấp Tân An, xã Phước Tỉnh), chủ tàu BV 92427 TS và BV 92428 TS – đại diện ngư dân xã Phước Tỉnh cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân vì lợi nhuận nên chấp nhận mạo hiểm đưa tàu cá sang vùng biển Indonesia đánh bắt trái phép.

Tuy nhiên, ông Nhỏ cũng cho rằng hiện nay do các phương tiện đánh bắt ngày càng nhiều, kết hợp với tình trạng thiếu hụt lao động nên khi đi biển, chủ ghe phải ứng trước tiền cho thuyền viên với 10-15 triệu đồng/người – điều này tạo ra áp lực buộc chuyến đi biển phải có lãi mới đủ chi phí trang trải.

Trước đó, ngày 13/3/2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia phối hợp với các cơ quan chức năng của nước này đã tổ chức đưa 27 ngư dân Việt Nam về nước. Số ngư dân này trong nhóm 74 ngư dân Việt Nam được trao trả trong đợt đầu tiên của năm nay.

Trong số 74 ngư dân, có 30 người quê ở Kiên Giang, 12 người quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu, các ngư dân còn lại thuộc các tỉnh khác như: Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… bị bắt và bị giam giữ từ 4-5 tháng đến hơn 1 năm tại đảo Tarempa, thuộc khu vực hẻo lánh của Indonesia.

Biển Việt Nam từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá – Sự chậm trễ trong vai trò của cơ quan Lập pháp

Sáng ngày 21/3/2017, tại phiên họp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ông Phạm Ngọc Minh – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thông tin nguồn thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng.

Ông Minh cho hay, với kinh nghiệm 30 năm đi biển và có những chuyến đi lênh đênh trên biển vài tháng, ông Minh cho biết trước đây biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều.

Theo lý giải của ông Minh, sự cạn kiệt này là do tình trạng đánh bắt tận diệt, chích điện, đánh thuốc nổ của ngư dân. Theo đó, ông Minh cho rằng cần quy định cụ thể đánh bắt thủy sản, mùa nào thì cấm – nhất là khi cá sinh sản, đặc biệt là cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được.

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt thông tin ở một số nước – như Trung Quốc, có quy định cấm đánh bắt vào mùa thủy sản sinh sản hay quy định cụ thể cá lớn bao nhiêu thì mới được đánh bắt, nếu không sẽ bị phạt. Còn ở mình “thì kéo sạch, hủy diệt hết, do luật mình không rõ”.

Theo đó, Chính phủ đề xuất việc thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản – đây là nội dung mới thay đổi về phương thức cấp phép so với Luật Thủy sản 2003. Việc thay đổi này được đánh giá là công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện đang áp dụng trong việc quản lý đóng mới và phát triển tàu cá khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Ngọc Linh (T/h)

Xem thêm: